Khu trang trại của gia đình anh Đỗ Xuân Sơn ở thôn 9, xã Xuân Trường (huyện Thọ Xuân) trước kia là vùng đất khô cằn trồng lúa và mía, nhưng năng suất rất thấp. Sau khi có chủ trương của huyện và xã, năm 2013, gia đình anh Sơn nhận thầu 4,9 ha để trồng cây ăn quả. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm và niềm niềm đam mê. Đến nay, trang trại của gia đình anh Sơn có 3 ha bưởi đào; 1,9 ha bưởi ruby và một số diện tích trồng cây giống Osaka, muồng anh đào, phong linh, cây đường phố …
Đường trục chính trong khu trang trại, được anh Sơn trồng thêm cau lùn và mít. Khu trang trại rộng lớn với nhiều loại cây được bố trí thành các phân khu phù hợp với hệ thống tưới nước tự động và bán tự động điều khiển từ xa, đảm bảo đủ nguồn nước để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đặc biệt, toàn bộ quy trình sản xuất cây ăn quả của trang trại đều áp dụng theo hướng hữu cơ, phân bón chủ yếu gồm phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ nhập khẩu của Nhật. Anh Sơn còn đầu tư xây bể xi măng để ngâm bột đậu tương, cá, sử dụng chế phẩm sinh học EM gốc, rỉ mật để phân hủy thành phân vi sinh tưới cho bưởi.
Kể từ khi bắt tay vào san lấp mặt bằng, xây dựng khu sản xuất và chuyển đổi cây trồng, với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng, trang trại của gia đình anh Sơn đã cho thu nhập ổn định. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, trang trại của gia đình anh Sơn còn tạo việc làm cho 8 lao động địa phương và giúp cho hàng chục hộ gia đình trên địa bàn phát triển mô hình trồng cây ăn quả.
Còn ở trang trại của gia đình ông Hà Thịnh Hưng, xã Nga An, huyện Nga Sơn được xây dựng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn không chất thải. Với quy mô trang trại hàng trăm con lợn, mỗi năm trang trại thải ra môi trường hàng chục tấn chất thải. Để xử lý số chất thải này một cách an toàn, hợp vệ sinh, gia đình ông Hưng đã xây dựng hệ thống biogas.
Toàn bộ chất thải được chuyển xuống ngâm ủ tại bể bioga, sau đó bơm lên các ao lắng, phối trộn với chế phẩm sinh học, tiếp tục quá trình ngâm ủ để trở thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân bón này được ông Hưng sử dụng để chăm sóc cho cây trồng trong trang trại, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa an toàn đối với môi trường.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cùng với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/1.000m2, gia đình ông Hà Thịnh Hưng đã đầu tư xây dựng 4.000m2 nhà màng để sản xuất dưa vàng. Hiện gia đình ông đang sản xuất với công thức luân canh 3 vụ dưa vàng/năm áp dụng công nghệ cao.
Toàn bộ diện tích nhà màng được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, thông qua ứng dụng điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi vụ dưa cho năng suất 3 tấn dưa thương phẩm/1.000m2. Với diện tích 4.000m2 mỗi năm đạt năng suất gần 50 tấn, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Ngoài trồng dưa vàng, gia đình đầu tư trồng thử nghiệm 500m2 nho sữa đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre lục trúc, chị Đinh Thị Lệ, thôn Minh Thái, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc giới thiệu: "Cơ duyên thật tình cờ trong lần đọc báo, tôi biết đến mô hình trồng tre lục trúc lấy măng ở tỉnh Bắc Giang. Qua những chuyến đi học tập kinh nghiệm trồng tre ở nhiều nơi, các quy trình chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch măng, nhân giống… được chị Lệ ghi chép cẩn thận.
Hơn 1 năm, chị Lệ "bén duyên", tre lục trúc đã không phụ công đáp ứng đúng như kỳ vọng ban đầu của chị. Cây có giá trị kinh tế cao, phát triển xanh tốt, chất lượng măng ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Chị Lệ khẳng định, trồng tre không khó nếu nắm vững kỹ thuật, cây ít sâu, bệnh nên hầu như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo đảm sức khỏe cho nông dân.
Bí quyết để cây tre ra măng đều, chất lượng ngon, ổn định là cần "trẻ hóa" cây liên tục, tức sau mỗi vụ dịp cuối năm phải thay thế cây già, gốc già, nuôi dưỡng những cây non kế cận. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau một năm tre đã cho thu hoạch măng. Các năm tiếp theo, tre sẽ cho măng nhiều hơn thời gian thu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.
Với tâm niệm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", chị Lệ đã đứng ra vận động thành lập HTX măng tre lục trúc với 10 thành viên. Các thành viên đoàn kết thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân rộng phát triển diện tích trồng tre lục trúc tại địa phương đến nay đã tăng lên hơn 30 ha.
Để tạo điều kiện cho nông dân có thêm nguồn lực để phát huy vai trò chủ thể, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã ký kết 40 chương trình phối hợp với các ban, sở, ngành, doanh nghiệp; xây dựng đề án "Hội Nông dân Thanh Hóa với chương trình đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn" giai đoạn 2020-2025. Các cấp hội trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Tăng cường tín chấp và nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Cổ phần thương mại Lộc Phát Việt Nam cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ trên 16 nghìn tỷ đồng, cho 169.811 hộ vay.
Xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 38,6 tỷ đồng, hiện đang cho 616 hộ vay thông qua 78 dự án. 9 tháng đầu năm 2024, phối hợp dạy nghề được cho 8.133 lượt người; cung ứng gần 20.000 tấn phân bón trả chậm; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 220.392 lượt người; hướng dẫn xây dựng được 57 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị.
Lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững. Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đánh giá chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho sản phẩm lươn không bùn xã Đông Phú, huyện Đông Sơn; chứng nhận VietGAHP (lần 2) cho sản phẩm gà thương phẩm của HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Yên Lâm và HTX Tân Hưng Phát xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân; sản phẩm trứng gà của Chi HND nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu, huyện Hà Trung; Sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ Mai An Tiêm, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn; Sản phẩm gạo Viên Nội của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 82 sản phẩm; 19.000 tem, nhãn và 5,5 ngàn túi đựng sản phẩm cho HTX chế biến thủy sản Sông Yên, xã Quảng Nham, Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo, TT Tân Phong, huyện Quảng Xương. Trực tiếp vận động đăng ký và hướng dẫn xây dựng mới 77 sản phẩm OCOP. Tổ chức 10 lớp tập huấn, hướng dẫn đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cho 879 cán bộ và hội viên hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Trực tiếp vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 226 tổ hợp tác, 14 Hợp tác xã, 74 doanh nghiệp.
Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho hay, trong quá trình hoạt động, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi. Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình, mô hình mới trong nông nghiệp nông thôn, sáng kiến, cách làm hay, năng động sáng tạo, nông dân vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, đời sống nông dân được ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Theo ông Trần Bình Quân, trong năm 2025, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hội vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng an toàn thực phẩm.
Đồng thời, khuyến khích, vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn kết cộng đồng nông dân, tích cực tham gia, hướng dẫn hỗ trợ các hộ nông dân khác phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu chính đáng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, các cấp Hội cũng tiếp tục đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phù hợp với trình độ và nhu cầu; đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.