Dân Việt

Công Vinh: “Phút 89, gió đổi chiều và tương lai sáng lạn cùng SLNA"

PV 03/12/2024 11:10 GMT+7
"Sau JVC Cup, cuộc chuyển nhượng đi Huế không diễn ra nữa, SLNA đã quyết định sẽ bán Phan Thanh Hoàn cho Huế và giữ tôi lại”, Công Vinh tiết lộ trong cuốn tự truyện “Phút 89”.

Công Vinh: "Phút 89, gió đổi chiều và tương lai sáng lạn cùng SLNA"

"Trở lại sau khi thi đấu cho Quảng Ninh theo dạng cho mượn, tôi tiếp tục có được sự thăng tiến nhanh chóng. Nhưng con đường đến đội một Sông Lam Nghệ An (SLNA) vẫn còn xa diệu vợi. Năm 2002, lần đầu tiên tôi được gọi vào đội U18 quốc gia dưới sự dẫn dắt của người thầy khó tính Nguyễn Văn Thịnh. Sau đó một năm, tôi được "tuyển thẳng" lên đội U20 Việt Nam và được vinh dự mang băng thủ quân. Tôi đã ghi được bốn bàn tại vòng loại U20 châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Minh Xương, giúp đội nhà giành vé dự vòng chung kết. Cũng trong năm ấy, tôi dự giải U21 báo Thanh Niên rồi giành luôn danh hiệu Vua phá lưới.

Thế nhưng những thăng tiến ấy vẫn chưa đủ để tôi trở thành cầu thủ chính thức của SLNA. Ngày ấy, hàng tấn công của đội bóng vẫn còn rất mạnh với Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn, chưa kể các ngoại binh. Thế nên khi CLB Thừa Thiên Huế đến xin chuyển nhượng tôi, SLNA đã gần như đồng ý.

JVC Cup diễn ra năm 2003 có thể là giải đấu cuối cùng của tôi trong màu áo SLNA. Tôi chỉ vừa được mặc chiếc áo mơ ước ấy chưa lâu, nhưng giờ chuẩn bị rời xa nó. Và tôi sẽ một thân một mình vào Huế theo đuổi sự nghiệp, từ biệt gia đình lần nữa. Nhưng nếu CLB đã quyết định, tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp hành. Tôi quyết tâm phải chơi một giải để đời tại JVC Cup, để chia tay màu áo mà mình yêu quý.

JVC Cup là một giải đấu giao hữu, được tổ chức với mục tiêu để U23 Việt Nam (ngày ấy gọi là Olympic Việt Nam) cọ xát trước khi bước vào SEA Games 22. Đấy sẽ là một giải đấu cực kỳ quan trọng bởi lần đầu tiên sau khi hội nhập trở lại, Việt Nam đứng ra tổ chức một đại hội thể thao tầm khu vực. Chúng ta đang có một lứa cầu thủ rất đẹp, mà Văn Quyến chính là ngôi sao được kỳ vọng nhất.

Công Vinh: “Phút 89, gió đổi chiều và tương lai sáng lạn cùng SLNA" - Ảnh 1.

Bìa tự truyện "Phút 89" của Công Vinh.

Ở JVC Cup, Văn Quyến và Phan Thanh Hoàn khoác áo đội Olympic Việt Nam ở một bảng, tôi khoác áo SLNA ở bảng đấu còn lại. Đây là giải đấu mà Nguyễn Hữu Thắng làm HLV trưởng cho SLNA, thay cho Nguyễn Thành Vinh đã lên tuyển làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl. Và từ giải đấu này, công chúng biết đến tài năng cầm quân của Hữu Thắng lẫn khả năng săn bàn của tôi.

Mục tiêu của SLNA là vào chung kết, với hy vọng được chạm trán với đội Olympic Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là đội Olympic đã bị loại ở bán kết, sau khi để thua Perak (CLB đương kim vô địch của giải Malaysia) sát sao trong loạt sút luân lưu 11 mét. Trong khi đó ở bán kết, tôi ghi bàn ấn định tỷ số 3-0 vào lưới Persik Kediri (Indonesia), để cùng SLNA bước vào trận đấu tranh Cúp.

Chúng tôi từng đánh bại Perak đến 4-2 ở vòng bảng, nhưng HLV Hữu Thắng cấm các học trò của mình khinh địch. Perak đã chứng tỏ được bản lĩnh của một nhà vô địch quốc gia, đồng thời càng chơi càng hay. Nhưng tôi có niềm tin là mình sẽ ghi bàn. Tôi thích áp lực, và đây là trận chung kết đầu tiên của tôi với SLNA trong đời cầu thủ. Nếu có thể chia tay SLNA với một danh hiệu, đấy sẽ là một lời tạm biệt ý nghĩa với nơi đã đào tạo ra mình.

Công Vinh: “Phút 89, gió đổi chiều và tương lai sáng lạn cùng SLNA" - Ảnh 2.

Công Vinh thời khoác áo CLB SLNA.

Nhưng SLNA mau chóng bị dội một gáo nước lạnh. Trong một ngày thi đấu tồi tệ, trung vệ Alphonse của chúng tôi phạm sai lầm, để cho tiền đạo Seator của Perak mở tỷ số khi trận đấu mới trôi qua được 8 phút. Sự lúng túng của Alphonse trong phần còn lại của trận đấu cũng nhiều phen đẩy SLNA vào tình huống khó khăn.

Trái với hàng thủ, hàng công hoạt động hiệu quả tuyệt vời. Phan Như Thuật đã chơi xuất sắc, trong một trận đấu phô diễn hết tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của anh. Điểm yếu ấy chính là thể lực. Anh hụt hơi dần trong hiệp 2 và bị thay ra bởi Ngô Quang Trường. Thể lực sẽ là nỗi ám ảnh cho toàn bộ sự nghiệp Phan Như Thuật sau này.

Còn điểm mạnh của Thuật là tài quan sát hết sức tuyệt vời. Phan Như Thuật nổi lên cùng lứa U16 Việt Nam với Văn Quyến, được xem là một Nguyễn Hồng Sơn mới của bóng đá Việt Nam. Anh có thể nhìn thấy những khoảng trống mà hiếm người nhìn thấy. Chỉ cao 1,62 mét, Như Thuật tất nhiên không mạnh trong tranh chấp, nhưng anh có khả năng chuyền dài tuyệt hảo. Và trận này, HLV Hữu Thắng đã đưa Như Thuật sang đá lệch phải, để tránh những pha tranh chấp quyết liệt nhất ở khu vực trung lộ. Khi các tiền vệ đánh chặn của SLNA đoạt được bóng, họ sẽ chuyền ngang sang cho Phan Như Thuật trổ tài chuyền vượt tuyến".

Trích tự truyện "Phút 89"

(Trần Minh chấp bút, Phương Nam Book)