Năm 2018, Thực hiện chương trình cải tiến di truyền đàn giống thuần trên cơ sở tuyển chọn, nhập nội đàn heo giống cụ kỵ (GGP), TP.HCM nhập khẩu và chuyển giao 459 con heo giống (85 con đực, 374 con cái; bao gồm các giống Duroc, Landrace, Yorkshire) từ Canada và chuyển nuôi tại Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (302 con) và Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (157 con).
Đây là các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình nhập nội, cải thiện đàn heo giống thuộc Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 (nay là Đề án "Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025").
Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025 cho biết, đến tháng 11/2024, tổng đàn heo giống cụ kỵ nhập khẩu còn sống là 3 heo cái. Trong đó, Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn 1 con và Hợp tác xã Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong 2 con.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, nguyên nhân heo chết và loại thải là do chấn thương cơ học trong quá trình chăn nuôi; mắc một số bệnh như: Viêm đường hô hấp, viêm khớp, viêm tử cung, liệt chân…; sinh trưởng, sinh sản không đạt yêu cầu: không lên giống, tinh trùng không đạt chất lượng…
Đặc biệt, không có cá thể heo giống nhiễm bệnh truyền nhiễm trong quá trình chăn nuôi tại các xí nghiệp, trang trại. Sở NNPTNT nhận định, trong quá trình nuôi dưỡng, đàn heo giống sinh trưởng, phát triển ổn định, thời gian trưởng thành sinh dục phù hợp theo từng giai đoạn phát triển, sinh sản tốt.
Theo kết quả báo cáo, tính đến ngày 1/11/2024, tổng đàn heo trên địa bàn TP là 110.158 con (kể cả heo con theo mẹ: 14.310 con), được nuôi tại 1.183 hộ và 2 xí nghiệp chăn nuôi quốc doanh.
Đàn heo nái của TP.HCM hiện đạt 16.656 con chiếm 15,12% tổng đàn. Tổng đàn heo giảm 22.989 con (17,27%) và giảm 121 cơ sở (9,26%) so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính sản lượng của ngành chăn nuôi heo Thành phố trong năm 2024 là khoảng 233.000 con heo giống và 29.812 tấn thịt hơi
Huyện Củ Chi là địa phương có tổng đàn heo cao nhất: 89.664 con (chiếm 81,40% tổng đàn). Sau đó đến huyện Bình Chánh 13.068 con (chiếm 11,86% tổng đàn) và huyện Hóc Môn 3.543 con (chiếm 3,22% tổng đàn). Số còn lại nằm ở các huyện ngoại thành và một số quận ở trung tâm Thành phố.
Hiện nay các cơ sở sản xuất heo giống của thành phố đang nuôi dưỡng đàn heo cụ kỵ (GGP), ông bà (GP) đạt khoảng 1.079 con và heo bố mẹ (PS) 2.921 con. Trong năm 2024, các cơ sở sản xuất heo giống đã thực hiện cung cấp 54.588 con thịt thương phẩm và 31.313 heo con giống, 5.201 con heo hậu bị có năng suất cao, chất lượng tốt cho thị trường thành phố và các tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 7 cơ sở giết mổ gồm 6 cơ sở giết mổ heo (trong đó, 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, 1 cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ) và 1 cơ sở giết mổ gia cầm.
Các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế, vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 - 100% theo định hướng.