Dân Việt

Bí ẩn đằng sau số phận bi kịch của các cung nữ: Thường hiếm muộn, khó sinh con?

Minh Hoa 07/12/2024 10:30 GMT+7
Cuộc sống trong cung đình tưởng chừng hào nhoáng nhưng lại ẩn chứa biết bao nỗi đau. Một trong những nỗi đau lớn nhất mà các cung nữ phải đối mặt là tình trạng hiếm muộn, khó có con. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bi kịch này?

Bí ẩn đằng sau số phận bi kịch của các cung nữ: Thường hiếm muộn, khó sinh con?

Thời phong kiến ở Trung Quốc, hoàng đế và các phi tần trong hậu cung cần rất nhiều kẻ hầu người hạ. Trong đó, thái giám và cung nữ là những người được chọn để chuyên phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi,… cho các vị chủ tử. Các cung nữ thường là người có địa vị thấp nhất trong hậu cung.

Đa phần cung nữ được chọn từ dân thường. Ngoài ra, còn bộ phận cung nữ do gia đình phạm tội sẽ bị ép làm cung nữ chuyên làm những công việc hạ đẳng. Bên cạnh đó, còn một số cung nữ do các quan địa phương hoặc các nước nhỏ hơn hiến tặng. Họ rất xinh đẹp, có thể múa, đàn hát, thêu thùa…

Cung nữ nhập cung phải chịu sự dạy bảo, rèn giũa của nhóm người quản lý. Họ được đào tạo từ việc đi đứng, chải đầu, trang điểm cho đến việc ăn, ngủ. Mọi hành động đều có quy định rất nghiêm khắc. Nếu phạm lỗi nhỏ thì cung nữ có thể bị hoàng đế và các phi tần phạt đánh, phạt quỳ, thậm chí là ban cho cái chết.

Bí ẩn đằng sau số phận bi kịch của các cung nữ: Thường hiếm muộn, khó sinh con? - Ảnh 1.

Không chỉ hầu hạ các vị chủ tủ, cung nữ mới vào còn phải phục vụ và chịu sự quản lý của các cung nữ già. Tất cả công việc cá nhân hàng ngày của cung nữ già, như rửa mặt, chải đầu, rửa chân, tắm táp… đều do các cung nữ mới vào phụ trách.

Nếu cung nữ trong quá trình phục vụ không phạm bất kỳ sai lầm lớn nào tới 25 tuổi người đó có thể xuất cung. Thế nhưng, rời cung không có nghĩa họ được giải thoát, ngược lại, "giông tố" lớn hơn còn đang chờ họ ở bên ngoài.

Trong cuốn tự truyện Nửa đời trước của tôi của Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc viết, các cung nữ sau khi bị đuổi khỏi cung đều không dám kết hôn. Họ chủ yếu sống phần đời còn lại trong bi đát, nghèo túng, hiếm có trường hợp quay trở về làm thường dân hòa nhập được với xã hội.

Nguyên nhân là bởi thời xưa, triều đình thường tuyển chọn cung nữ là những thiếu nữ 13-14 tuổi, nhưng phải tới 25 tuổi họ mới được xuất cung. Thời bấy giờ, độ tuổi này là quá lứa lỡ thì do người xưa thường lấy chồng sinh con lúc 15 tuổi. Vì vậy, sau khi các cung nữ xuất cung, họ khó có thể tìm được 1 nam nhân độc thân, họ chỉ có 2 lựa chọn là trở thành vợ lẽ của người khác hoặc là ở vậy.

Nguyên nhân thứ hai là do sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khả năng sinh sản.

Công việc của các cung nữ trong cung thường vô cùng vất vả. Họ được yêu cầu phải luôn sẵn sàng túc trực để phục vụ các thành viên của hoàng gia bất kể ngày hay đêm, đến nỗi hầu như không được nghỉ ngơi. Việc đứng, đi lại và làm việc trong thời gian dài mỗi ngày khiến cơ thể họ kiệt sức.

Hơn nữa, trong cung có rất nhiều quy định. Nếu không cẩn thận, các cung nữ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc, điều này gây áp lực rất lớn về mặt tinh thần cho họ.

Dưới áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần ở cường độ cao như vậy trong thời gian dài, các cung nữ đa phần đều gặp tình trạng rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bí ẩn đằng sau số phận bi kịch của các cung nữ: Thường hiếm muộn, khó sinh con? - Ảnh 2.

Thêm vào đó, môi trường sống trong cung không phải nơi nào cũng lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nơi ở của các cung nữ, nô bộc thường chật chội, đông đúc và kém thông thoáng. Cộng với lượng người hầu trong cung rất đông, nên các loại bệnh tật dễ sinh sôi. Hơn nữa, đồ ăn của cung nữ thường cũng không được đảm bảo tốt.

Sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy lâu ngày sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ mắc nhiều bệnh, điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Không chỉ vậy, các cung nữ một khi bước vào cung điện, sẽ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ không thể yêu hay kết hôn một cách tự do, khiến cảm xúc bị đè nén trong thời gian dài. Điều này dẫn tới trạng thái cảm xúc cô đơn và chán nản, và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Là phận "con sâu, cái kiến", các cung nữ thường xuyên phải chịu đựng nhiều hành vi ngược đãi và gây thương tích. Nếu một cung nữ có ngoại hình xinh đẹp, họ sẽ càng chịu nhiều ngược đãi vì thu hút sự chú ý của nam nhân, thậm chí là hoàng đế. Điều này khiến họ đón nhận những hành vi lạm dụng và gây thương tích có chủ đích, đặc biệt là tổn thương ở cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Theo Sohu, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các cung nữ thời xưa đều bị vô sinh sau khi rời chốn cung đình. Đó là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ công việc cường độ cao và áp lực tinh thần, môi trường sống khắc nghiệt, cũng như luôn đối mặt nguy cơ bị lạm dụng và tổn thương cơ thể.