Dân Việt

Ngỡ ngàng quán bún riêu ngày bán hàng trăm bát, từng tạm đóng cửa 9 ngày bởi mang phong cách gây choáng này

Kiều Anh 07/12/2024 09:00 GMT+7
Bún riêu từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống, đặc trưng của nền ẩm thực Hà thành. Tuy nhiên, có một quán bún riêu gây ấn tượng với thực khách bởi mang phong cách quý tộc khiến thực khách ngỡ ngàng đến "choáng ngợp".

Món ăn đặc sản ở Hà Nội: Quán bún riêu "gây sốt" bởi không gian bài trí mang phong cách quý tộc

PHÓNG SỰ BÚN RIÊU - KIỀU ANH

Nằm trong con ngõ hẹp Lương Sử C thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, quán bún riêu gánh của vợ chồng anh Hoàng Minh Việt (45 tuổi) nhanh chóng trở thành "hiện tượng" gây sốt đối với các tín đồ ẩm thực bởi không gian được bài trí "độc nhất vô nhị" kết hợp cùng hương vị bún riêu truyền thống thơm ngon, chuẩn vị.

Khách hàng bất ngờ vì toàn bộ đồ trang trí lạ mắt bằng gốm và gốm sứ, không gian quán bún riêu "toát lên" sự quý tộc hiếm thấy.

Bún riêu từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống, đặc trưng của nền ẩm thực Hà thành. Xuất phát từ gánh bún riêu trên phố Hàng Bún đã bán được 30 năm của bà Yến (mẹ vợ anh Hoàng Minh Việt), vợ chồng anh  quyết định chuyển địa điểm quán về ngõ Lương Sử C để mang đến một không gian thoải mái, ổn định "tránh nắng tránh mưa" cho khách hàng của mình. Trước đó, nơi này từng là nhà ở của vợ chồng anh Việt.

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 1.

Một loạt đồ trang trí lạ mắt bằng gốm và gốm sứ, các đồ độc bản được chế tác bởi các nghệ nhân xưa: bình hoa, tượng, kệ tủ, hộp đồng hồ quả lắc, đàn piano, bộ tranh tứ quý,… khiến thực khách ngỡ ngàng đến "choáng ngợp". (Ảnh: Kiều Anh)

Chia sẻ với Dân Việt, anh Hoàng Minh Việt cho biết: "Mẹ vợ tôi bán bún riêu gánh từ lúc còn ở Hàng Bún, sau đó có chuyển sang bán tại Hàng Khoai. Khi Hàng Khoai không còn chỗ ngồi bán nữa thì quyết định chuyển về đây. Bà bán cũng được 30 năm rồi, giờ thì truyền nghề cho hai vợ chồng tôi. Quán mới mở bán ở ngõ Lương Sử C này từ đầu tháng 10 năm nay."

"Trước kia quán là nhà vợ chồng tôi ở, không gian cũng khác nhiều so với hiện tại. Phần trước cửa này là khu vực để xe, có một cái vách ngăn để đến phòng khách. Khu vực bàn ăn của quán trước là để cái sập, một chiếc chiếu ngựa và cái đi-văng thời bao cấp. Sau khi có quyết định mở quán thì bắt đầu phá vách ngăn, đôn nền lên, quét lại tường, di dời đồ đạc lên phía trên căn gác tầng 2 rồi chỉnh trang mọi thứ thành một không gian quán như hiện tại", anh Việt cho hay.

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 2.

Bên cạnh không gian độc lạ, điều thu hút thực khách đến quán vẫn là hương vị bún riêu Hà Nội. (Ảnh: Kiều Anh)

Ngay từ những bước chân đầu tiên vào quán, một loạt đồ trang trí lạ mắt bằng gốm và gốm sứ, các đồ độc bản được chế tác bởi các nghệ nhân xưa: bình hoa, tượng, kệ tủ, hộp đồng hồ quả lắc, đàn piano, bộ tranh tứ quý,… khiến thực khách ngỡ ngàng đến "choáng ngợp" bởi lần đầu tiên có một quán bún riêu được bài trí độc đáo, khác biệt như vậy ngay giữa lòng Thủ đô.

Anh Việt cho biết: "Những đồ đạc trang trí ở đây được tôi sưu tầm khoảng 6 năm. Thấy phù hợp, ưng ý chúng tôi mới mua về chứ không mua ồ ạt. Những đồ này là đồ độc bản do nghệ nhân xưa họ chế tác, mọi người cứ bảo là đồ cổ nhưng thực ra không phải đồ cổ. Toàn bộ đồ đạc, ý tưởng không gian quán, cách bài trí là do vợ tôi sắp xếp. Lúc đầu tiên khi sưu tầm về thì tôi thấy nhiều đồ, trông hơi bừa bộn nhưng mà vẫn chiều theo ý vợ, tin tưởng vợ vì tôi biết là một ngày nào đó, không gian quán sẽ được gọn gàng, hợp mắt."

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 3.

Một bát bún riêu đầy đủ gồm có: bún, nước dùng, hành khô, riêu cua, ốc, thịt bò tái, giò tai, nấm hương, đậu rán, chả bò viên, chả cá Hải Phòng. (Ảnh: Kiều Anh)

Món ăn đặc sản ở Hà Nội: Quán bún riêu tạm dừng hoạt động gần 10 ngày để "trốn khách"

Dù không gian được bài trí theo một cách riêng biệt, song hương vị của bát bún riêu vẫn giữ được nét truyền thống như đã "gắn mác" của bún riêu Hà thành từ lâu. Một bát bún riêu đầy đủ gồm có: bún, nước dùng, hành khô, riêu cua, ốc, thịt bò tái, giò tai, nấm hương, đậu rán, chả bò viên, chả cá Hải Phòng. Theo chia sẻ của anh Việt, đậu phụ rán mới được thêm vào suất bún riêu, đây là điểm khác biệt so với bún riêu truyền thống mà mẹ vợ anh đã bán được 30 năm nay.

"Khẩu vị cũng có khác so với ngày trước một chút, người Hà Nội mà đã đi qua chiến tranh thì thường họ thích ăn mặn hơn, tuy nhiên đến thời điểm này các bạn trẻ cũng không ăn mặn như thời trước, nên vợ chồng tôi nấu cũng giảm bớt gia vị. Nếu khách thấy nhạt thì có thể thêm gia vị hoặc mắm tôm để cho hợp khẩu vị của mình hơn", anh Việt cho biết thêm.

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 4.

Bất ngờ vì những món đồ trang trí lạ mắt, bạn Kim Ngân (20 tuổi, Cầu Giấy) cho hay, đây là lần đầu tiên được ngồi ăn bún riêu trong một không gian vừa cổ điển, vừa hiện đại như vậy. (Ảnh: Kiều Anh)

Đến thời điểm hiện tại, quán bún riêu của vợ chồng anh Việt đã mở bán được 2 tháng. Theo tâm sự của anh Việt, khi quán bắt đầu được chú ý nhiều trên các hội nhóm ẩm thực và nền tảng mạng xã hội TikTok, lượng khách đến quán đông gấp 3-4 lần bình thường khiến cả gia đình anh phục vụ "không xuể".

Anh Việt kể: "Tôi mở từ mùng 4, đến mùng 9, em tôi đăng ảnh quán bún lên mạng xã hội và được một bạn TikToker biết đến, bạn ấy đến ăn rồi quay "review", sau đó đăng lên. Lúc đó tôi không biết. Sau 4 tiếng bạn đó đăng bài thì khách đổ về quán ồ ạt. Trong khi đó quán chỉ có 3 người làm, không có nhân viên, phục vụ không kịp.

Sau đó vài ngày tôi thấy tình hình không ổn, bởi vì khách xếp hàng chờ rất đông. Người chờ thì sốt ruột mà người đang ăn thì phải ăn vội vàng, không thoải mái. Nên tôi quyết định tạm dừng để sắp xếp mọi thứ sao cho ổn thỏa, coi như đợt vừa rồi là tuần mở bán trước, mình khảo sát thôi. Bản thân tôi muốn khách được trải nghiệm cái không gian của quán phải trọn vẹn nhất. Tôi đóng quán 9 ngày", anh Việt vừa kể vừa lau dọn bàn ăn cho những thực khách tiếp theo.

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 5.

Toàn bộ đồ đạc được sưu tầm cho phù hợp với không gian hoài cổ. (Ảnh: Kiều Anh)

Theo tìm hiểu của Dân Việt, trung bình một ngày quán bán được khoảng 150 bát bún riêu. Mức giá của một bát bún dao động từ 30.000 – 55.000 đồng, tùy vào topping mà khách lựa chọn. Khách hàng thường ghé quán thưởng thức vào giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ tan làm.

Anh Việt cho biết: "Quán mở cửa từ 10 giờ sáng thì khoảng 11 giờ sẽ có khách vào, đến tầm 12 giờ sẽ là đông nhất và gần như kín bàn. Tuy nhiên, số lượng bán ra thì chỉ bằng 1/5 so với trước đây mẹ tôi bán ở Hàng Bún, Hàng Khoai. Khách quen từ hồi mẹ tôi còn bán thì họ về đây ăn cũng khá nhiều, gần đây thì có thêm các bạn trẻ biết đến quán qua mạng xã hội".

Lần đầu tiên biết đến quán khi tình cờ lướt thấy clip trên TikTok, bạn Quỳnh Trang (20 tuổi, Ecopark Gia Lâm) cho biết: "Tôi thấy độc đáo vì quán kết hợp món bún riêu cổ truyền với không gian đương đại, khá thu hút đối với giới trẻ hiện nay. Khi ngồi trong không gian như thế này tôi có cảm giác đồ ăn ngon hơn. Bát bún đầy đủ vị của một món bún riêu truyền thống và cảm thấy rất ấn tượng, nhất định tôi sẽ quay lại quán trong thời gian gần nhất."

Bất ngờ vì những món đồ trang trí lạ mắt, bạn Kim Ngân (20 tuổi, Cầu Giấy) cho hay, đây là lần đầu tiên được ngồi ăn bún riêu trong một không gian vừa cổ điển, vừa hiện đại như vậy. "Tôi thấy là chưa có quán bún nào mà có không gian như quán này. Nó cổ điển, sạch sẽ, đồ ăn khá ngon, theo đánh giá là trên mức trung bình", cô gái gen Z chia sẻ.

 Món ăn đặc sản ở Hà Nội: quán bún riêu “gây sốt” bởi không gian bài trí “độc nhất vô nhị” - Ảnh 6.

Không chỉ thưởng thức bún riêu truyền thống, nhiều khách hàng đến đây còn chụp những tấm hình "check-in" trong không gian hoài cổ, độc đáo này. (Ảnh: Kiều Anh)

Với anh Hoàng Việt cho hay, vợ chồng anh mong muốn giữ được không khí yên tĩnh, riêng biệt như thời điểm hiện tại: "Tôi thích quán ở không khí yên tĩnh như này hơn là ồn ào. Lượng khách vừa đủ, không chen lấn hay ồ ạt. Khách đến đây họ chia sẻ, họ cũng thích như này hơn. Có những khách ngồi từ trưa đến 4 giờ chiều, bảo với tôi là không muốn về vì đẹp quá. Mỗi lần nghe được những cảm nhận, lời động viên của khách hàng tôi có thêm động lực để phục vụ tốt hơn từng ngày."