Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (còn gọi Tiktoker Mr Pips) và 24 người khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền.
Theo tài liệu điều tra, tháng 6/2019, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.
Cơ quan tố tụng xác định, Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng, hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản (thua hết tiền).
Khi các bị hại đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn; cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ đã tổ chức, thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, gồm: 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô tô các loại, phong tỏa 9 tỷ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì thế, việc các đối tượng đưa ra thông tin sai sự thật khiến cho nạn nhân tin tưởng nộp tiền, các đối tượng này nhận tiền rồi chiếm đoạt, đây là biểu hiện điển hình của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, các đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài đối tượng chủ mưu cầm đầu dựng ra kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý hình sự, với các đối tượng khác trong đường dây này mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ bị xử lý cùng về một tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với các đối tượng biết đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không tố giác cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội Không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự với hình phạt có thể tới 3 năm tù.
Ngoài ra, những người biết rõ số tiền, tài sản có được do phạm tội mà có nhưng vẫn tiếp nhận để đưa vào các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự với hình phạt ở mức cao nhất có thể tới 15 năm tù.
Ông Cường cho biết, cùng với sự phát triển của xã hội, các giao dịch dân sự kinh tế rất dễ dàng có thể diễn ra và tài sản trong xã hội có thể chuyển hóa liên tục thì hành vi rửa tiền diễn ra khá phổ biến. Bản chất của rửa tiền đó là biến tiền bẩn thành tiền "sạch" - sạch về pháp lý để che giấu nguồn gốc.
Rửa tiền không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm mà còn là nguyên nhân thúc đẩy tội phạm, tạo niềm tin của cho các đối tượng phạm tội cũng cố ý chí thực hiện tội phạm.
Bởi vậy, hành vi rửa tiền cũng giống như hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng mục đích ở đây là để che giấu tội phạm, che giấu nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.