Dân Việt

Sắp xếp lại cơ quan báo chí, thông tấn: Các trường thông tin "nóng" về tuyển sinh ngành Báo chí 2025

Tào Nga 07/12/2024 19:00 GMT+7
Phương án sắp xếp các cơ quan báo chí, thông tấn thuộc Chính phủ theo đúng định hướng của Trung ương đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Vậy các trường đào tạo ngành Báo chí có phương án tuyển sinh năm 2025 ra sao?

Sắp xếp lại cơ quan báo chí, thông tấn, các trường ngành Báo chí tuyển sinh năm 2025 ra sao?

Ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Trong đó, với các cơ quan báo chí, thông tấn thuộc Chính phủ, phương án sắp xếp được đưa ra theo đúng định hướng của Trung ương.

Cụ thể, kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước thông tin này, dư luận và đặc biệt là sinh viên đang học, học sinh chuẩn bị đăng ký tuyển sinh ngành Báo chí năm 2025 băn khoăn về các phương án tuyển sinh có thay đổi và cơ hội việc làm khó khăn hơn không?... Đây là ngành "hot" mỗi mùa tuyển sinh khi điểm chuẩn khối C luôn cao chót vót lên tới gần 30 điểm. 

Chiều ngày 7/12, trao đổi với PV báo Điện tử Dân Việt, PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Theo tôi, Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là điều nên làm. Còn cách thức tổ chức ra sao, chúng ta vẫn cần chờ đợi cụ thể. Chủ trương này của Đảng, Nhà nước hiện nay các cơ quan đang tích cực thực hiện".

PGS. TS Phạm Minh Sơn cũng thông tin thêm, hiện tại nhà trường chưa có phương án tuyển sinh cho năm 2025. Tuy nhiên, về cơ bản Học viện vẫn giữ ổn định quy mô như những năm trước. Còn về phương án xét tuyển có chút thay đổi, điều chỉnh theo quy định Bộ GDĐT".

Sắp xếp lại cơ quan báo chí, thông tấn: Các trường thông tin "nóng" về tuyển sinh ngành Báo chí 2025 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trao đổi nghiệp vụ với sinh viên. Ảnh: NVCC

Là ngôi trường có điểm chuẩn ngành Báo chí cao nhất mỗi mùa tuyển sinh, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Quy hoạch báo chí căn cứ trên hai tiêu chí: nhiệm vụ của báo chí trong từng điều kiện chính trị - xã hội cụ thể và thực trạng của nền báo chí.

Ở Việt Nam, nhiệm vụ của báo chí gắn với nhiệm vụ chính trị, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể. Tiếp cận dưới góc độ này, rõ ràng báo chí cần phải được quản lý và quy hoạch một cách phù hợp.

Ở khía cạnh thứ hai, cùng với sự phát triển của internet và điều kiện kinh tế thị trường, báo chí những năm gần đây đã "nở rộ" và phát triển một cách thái quá. Các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí cũng "phát triển" như thế nào thì đã được đưa tin và thảo luận nhiều. Với thực trạng đó, ở góc độ quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, cần phải có sự thay đổi để báo chí thực sự phát huy được sứ mệnh, vai trò, vị trí chính trị của mình".

 Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng cho biết: Trường chưa có kế hoạch tuyển sinh năm 2025 và câu chuyện tuyển sinh năm tới chưa thể đánh giá bởi có một số biến động. Tuy nhiên, hiện nay, ngành Báo chí - Truyền thông vẫn đang là những ngành thu hút được lượng người học đăng ký nhiều. Điểm chuẩn các ngành Báo chí thường vẫn nằm trong top những ngành cao nhất ở các trường. Điều này không chỉ xuất phát từ nhu cầu của ngành Báo chí mà còn nằm ở sự phát triển của ngành Truyền thông trong những năm gần đây.

Ngành Báo chí thay đổi linh hoạt để thích ứng thực tiễn 

Mặc dù dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi trong tuyển sinh năm 2025 và dự kiến ngành Báo chí vẫn "hot", tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phan Văn Kiền, ngành Báo chí - Truyền thông cũng cần thích ứng linh hoạt với thời cuộc.

"Một chương trình đào tạo luôn phải đảm bảo tính ổn định nhất định mới có thể triển khai đào tạo. Tuy nhiên, các chương trình cũng luôn luôn được phép thay đổi linh hoạt khoảng 20% mỗi năm để kịp thời cập nhật các xu hướng biến đổi của xã hội. 

Trong bối cảnh quy hoạch báo chí như hiện tại, nội dung chương trình đào tạo không ảnh hưởng gì. Thế nhưng, sự tác động của mạng xã hội, sự thay đổi kết cấu quy trình tác nghiệp, kỹ năng tác nghiệp của người làm báo chí và truyền thông thì có nhiều biến đổi trong những năm gần đây. Vì vậy, trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chúng tôi luôn được cập nhật theo hướng bổ sung các học phần, kỹ năng mới để người học kịp thời cập nhật được các xu hướng tác nghiệp báo chí và truyền thông hiện đại.

Có một điều phải lưu ý: Dù thay đổi thế nào, dù công nghệ có tác động tới báo chí và truyền thông ra sao thì bản chất của ngành này là ngành thiên về nội dung, tư tưởng. Dù các công nghệ có ảnh hưởng và thay đổi quy trình, phương thức tác nghiệp tới đâu thì tất cả cũng là nhằm phục vụ cho quá trình chuyển tải thông tin, chuyển tải nội dung. Vì vậy, công nghệ là thứ thay đổi, là thứ nhất thời, còn nội dung mới là thứ bất biến, là giá trị lâu dài. Cho nên dù công nghệ phát triển thế nào cũng không thể vì chú trọng vào đó mà quên mất giá trị cốt lõi của báo chí và truyền thông là giá trị nội dung, tư tưởng".

Sắp xếp lại cơ quan báo chí, thông tấn: Các trường thông tin "nóng" về tuyển sinh ngành Báo chí 2025 - Ảnh 2.

Sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông luôn được cập nhật các xu hướng biến đổi của xã hội. Ảnh: NVCC

Cũng là một trong 3 ngôi trường mạnh nhất ngành Báo chí - Truyền thông của cả nước, TS Triệu Thanh Lê, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng khẳng định: "Khoa luôn thực hiện thường xuyên việc cải tiến chương trình đào tạo để giúp người học có những kiến thức, kỹ năng làm báo, làm truyền thông trên các nền tảng số, thích ứng với các công việc sau khi tốt nghiệp".

Trước câu hỏi về việc sắp tới các cơ quan báo chí thu hẹp ít hơn, cơ hội việc làm sẽ khó khăn hơn, nhà trường sẽ chuẩn bị thế nào cho sinh viên tốt nghiệp trong năm tới, TS Triệu Thanh Lê cho hay: "Dựa trên việc tìm hiểu thông tin, nhu cầu của các bên tuyển dụng mỗi năm, Khoa sẽ cố gắng có những tư vấn, giới thiệu, định hướng công việc phù hợp với các em".