Số lượng tổ hợp tự nhiên đang bị "lép vế" với tổ hợp xã hội, khiến nguồn đầu vào các ngành khoa học tự nhiên sụt giảm, không đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước. Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.Tuy nhiên trên thực tế, học sinh chỉ có thể tự chọn hai môn trong bốn môn mà học sinh đã đăng ký học từ năm lớp 10 (trên nguyên tắc, học sinh phải học môn đã tự chọn từ năm lớp 10 và không được thay đổi trong suốt ba năm học THPT).
Xu hướng chọn môn xã hội đang áp đảo
Theo số liệu thống kê, năm 2017, lần đầu tiên thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) nhiều hơn số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) khoảng 90.000 em.Từ năm 2018 đến năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội vẫn luôn áp đảo so với số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Đến năm 2023, con số chênh lệch lên tới gần 250.000 thí sinh.Năm 2024, trong khoảng hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%.
Theo Bộ GD-ĐT, so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.Theo khảo sát của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình,... đa số học sinh lớp 12 chọn các môn xã hội là môn thi tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, học sinh năm học này lại chọn các môn thuộc khối khoa học tự nhiên nhiều hơn.Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (TP. Hà Nội) Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, đa số học sinh của trường lựa chọn tổ hợp thi theo môn của chương trình cũ.
Tiếng Anh vẫn là môn có số lượng học sinh lựa chọn nhiều nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.Trong tổng số 810 học sinh của trường, có 768 học sinh chọn tiếng Anh là môn ngoại ngữ chính, tỷ lệ 94,8%. Ở môn tự chọn còn lại, số học sinh chọn môn Vật lý nhiều hơn cả. Tiếp đến là Lịch sử và Hóa học với số lượng xấp xỉ trên dưới 200 học sinh. Các vị trí tiếp theo là giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý, sinh học. Một môn tăng tỷ lệ học sinh đăng ký là Tin học.Tại Nam Định, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ Đoàn Thị Kim Dung cho biết, trước đó, tỷ lệ chọn môn xã hội và môn tự nhiên khá đồng đều. Nhưng 2 năm trở lại đây, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội nhiều hơn. Có 248 học sinh lựa chọn môn xã hội là môn thi tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, và 177 học sinh chọn môn tự nhiên.Học sinh chọn tổ hợp khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) chỉ có tối đa 78 em; số học sinh chọn tổ hợp khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) tối đa chỉ có 8 em. Trong khi đó, số học sinh lựa chọn khối D truyền thống (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển đại học tương đối cao, với 206 em.
Theo cô Dung, tỷ lệ chênh lệch giữa nhóm học sinh chọn môn xã hội và học sinh chọn môn tự nhiên khá lớn bởi các em chọn môn thi dựa trên thế mạnh, phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Tại Trường THPT Kim Thành (Hải Dương), năm học 2024 - 2025, số lượng thí sinh chọn tổ hợp các môn xã hội và tự nhiên lần lượt là 46% và 54%. Tỷ lệ học sinh lựa chọn khối D truyền thống để xét tuyển đại học tương đối cao. Môn tiếng Anh vẫn là lựa chọn hàng đầu được học sinh chọn thi nhiều nhất.Trái ngược với các tỉnh thành ở phía Bắc, tại TP. Hồ Chí Minh, đa số học sinh lớp 12 khi chọn môn thi tốt nghiệp THPT nghiêng về các môn thuộc khối khoa học tự nhiên hơn khối khoa học xã hội.Theo khảo sát của Trường THPT Trường Chinh (Quận 12), vào đầu năm học 2024 - 2025, số học sinh lớp 12 chọn môn thi tốt nghiệp THPT cụ thể như sau: Cao nhất là Tiếng Anh với 77%, kế đó là Vật Lý với 66%. Các môn còn lại có tỷ lệ ít hơn với Hóa với 21%, Sử - Địa - Giáo dục kinh tế pháp luật với 10%, Công nghệ - Tin học với 10%. Riêng môn Sinh học chỉ vọn vẻn 5% học sinh đăng ký.
Tương tự ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) hay các trường ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh, đa số học sinh nghiêng về các môn khoa học tự nhiên, chọn nhiều hơn khoa học xã hội.Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh Trịnh Duy Trọng nhìn nhận, việc nhiều học sinh chọn thi Tiếng Anh và Vật lý là xu hướng chung của thành phố. Đặc biệt, học sinh lớp 12 chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp xuất phát từ năng lực, điểm số và định hướng nghề nghiệp tương lai.“Một số học sinh tâm sự lựa chọn tiếng Anh bởi nhận thấy hầu hết trường đại học đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển. Bản thân các em đã nhận thức được vai trò quan trọng của tiếng Anh.
Tương tự với môn Lý, ngay từ lớp 10, nhiều học sinh của trường đã lựa chọn và đăng ký", Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh nói.
Sẽ mất cân bằng
Tại tọa đàm "Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018" do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức thông tinnhiều tỉnh thành có số học sinh chọn nhóm các môn Lý, Hóa, Sinh chỉ đạt 11 - 15% khi vào lớp 10. Trong khi đó, số học sinh lựa chọn môn thi thiên về khoa học xã hội chiếm tỷ lệ áp đảo. Điều này khiến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học không được giải quyết triệt để.Về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển dự kiến của các trường đại học. Nhưng trên thực tế, quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại thuộc Nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.
Các chuyên gia giáo dục nhìn nhận, việc học sinh được lựa chọn nhiều môn học vào lớp 10 được xem là chủ trương tiến bộ khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Nhưng qua 2 năm thực hiện Chương trình GDPT mới, không thiếu tình trạng nhiều học sinh xin đổi tổ hợp môn bởi lựa chọn chưa phù hợp. Các em này phải mất thời gian tự học tại nhà, hay ôn luyện trên trường với thầy cô để bảo đảm yêu cầu cần đạt của môn học chuyển đổi và kịp tiến độ kỳ thi.Nhìn thẳng vào thực tế, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành (Hải Dương) Nguyễn Thế Toàn cho biết, không phải học sinh lớp 10 nào cũng đủ kiến thức, năng lực để tự định hướng nghề nghiệp tương lai. Dù chương trình GDPT 2018 đã phủ sóng rộng rãi, nhưng việc phải lựa chọn tổ hợp môn vẫn khiến nhiều học sinh và phụ huynh lúng túng, bởi không biết các trường đại học thay đổi tổ hợp tuyển sinh thế nào.Thầy Toàn cho hay, để học sinh lựa chọn môn học đúng theo năng lực, phẩm chất và kiến thức, trường đã tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh ngay từ đầu lớp 10. Đồng thời quán triệt giáo viên chủ nhiệm khi tư vấn cần lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh.
Về phía Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (TP. Hà Nội), cô Nguyễn Bội Quỳnh nhấn mạnh, thời gian chọn môn vào lớp 10 là giai đoạn vàng để định hướng cho học sinh, giúp các em phá vỡ rào cản tâm lý với các môn tự nhiên. Nếu bỏ qua thời điểm này, tỷ lệ học sinh chọn môn tự nhiên và môn xã hội sẽ mất cân bằng nghiêm trọng.Ngay từ năm lớp 10, Trường THPT Việt Đức đã tư vấn học sinh đăng ký các tổ hợp môn phù hợp với sở trường, định hướng của bản thân. Bên cạnh đó, Nhà trường xây dựng nhiều tổ hợp môn để các em có thêm lựa chọn."Tâm lý học sinh thường e ngại, tránh né các môn khoa học tự nhiên bởi cho rằng khó và không hấp dẫn. Đây là điều cần tính toán và có giải pháp từ gốc rễ. Các giáo viên nên kiên nhẫn phân tích, giải đáp và cho học sinh thời gian nghiên cứu để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các em tăng thêm tình yêu với môn tự nhiên", cô Bội Quỳnh chia sẻ.