Ngày 8/12, Tọa đàm "Dạy, học và ứng dụng Toán học trong thời đại số" được tổ chức trong khuôn khổ "Ngày hội Toán học mở TP.HCM" năm 2024.
Chia sẻ về tầm quan trọng của Toán học, GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội khẳng định những người học Toán tốt dù sau này có chuyển sang lĩnh vực khác cũng có khả năng thành công rất cao. Việc học Toán giúp tư duy logic, tổ chức, sắp xếp công việc một cách hiệu quả.
Ông Linh nhấn mạnh, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) cũng cần có những thống kê, dữ liệu mà nền tảng bắt đầu từ Toán học.
"Sinh viên và học sinh không nên sợ toán quá. Tôi hỏi các sinh viên kinh tế thì rất sợ môn Thống kê,. Nhưng các nhà kinh tế học phải hiểu rất rõ mô hình, thống kê, dự đoán dựa trên xác suất thì được trả lương rất cao. Còn nếu chỉ làm như những nhân viên kinh doanh bình thường thì lương không cao. Muốn duy trì và có vị trí nghề nghiệp tốt thì ít nhiều đều cần khả năng, tư duy định lượng, thống kê" - ông Linh nói.
Theo ông Linh, ở đại học và sau đại học, các ngành có tính liên ngành rất lớn. Những người có nền tảng mang tính liên ngành sẽ phát triển tốt hơn. Ví dụ như kỹ thuật y sinh không chỉ có y sinh mà còn có cả trí tuệ nhân tạo, vật lý, hóa học và đều cần kiến thức Toán nền tảng. Chính vì thế, tầm quan trọng của Toán học là rất lớn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội cho biết, học Toán ở đại học chia ra nhiều mức độ khác nhau, tùy theo nhóm ngành, lĩnh vực. Với những ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật sẽ cần kiến thức Toán chuyên sâu.
Những ngành như Kinh tế, Khoa học sức khỏe thì cần kiến thức Toán ứng dụng, Toán thống kê. Kể cả những ngành có vẻ như không liên quan đến Toán lắm như khoa học xã hội (Tâm lý, Xã hội học) thì vẫn cần đến Toán vì cần những công cụ thống kê, đo đếm hành vi, phản ứng của xã hội và biết cách xử lý dữ liệu.
Cùng vấn đề, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ trong quá trình làm việc, ông nhận ra kiến thức môn Toán cực kỳ quan trọng.
"Tôi học khoa học vật liệu, trong cuộc sống của mình cho đến bây giờ, gần 40 năm trong ngành giáo, toán cho tôi hai nền tảng. Thứ nhất khả năng phân tích, tư duy logic, đây là điều cực kỳ quan trọng. Thứ hai là giúp chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề bằng cách định lượng, chứ không đơn thuần chỉ là định tính, có sự khái quát" - ông Bình tâm sự.
Ông Bình cho rằng, dù sau này theo đuổi ngành nghề nào, kiến thức Toán giúp mọi người có phương pháp tư duy vấn đề, thống kê, mô hình hóa vấn đề. Từ mô hình, chúng ta có thể nhìn nhận cách giải quyết và dự báo xu hướng.
Theo TS. Nguyễn Phụ Hoàng Lân, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, việc dạy và học nên đi theo hướng phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm, mỗi học sinh sẽ là một cá thể khác nhau.
Việc học Toán không chỉ dừng lại ở việc giải phương trình, tích phân như thế nào mà còn phải tự hỏi những kiến thức, kỹ năng mà chúng ta được học giúp ích gì cho cuộc sống sau này. Ông Lân cho rằng học sinh hãy tự đặt cho mình những câu hỏi như vậy.
"Những ý nghĩa, cơ sở của những phương trình đó giúp chúng ta những gì sẽ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều hơn là biết cách giải nó. Như thế, thầy cô bây giờ không chỉ giới thiệu, truyền thụ những kiến thức nền tảng nữa mà còn phải dạy cho học trò cách học, tư duy, giải quyết vấn đề" - ông Lân nói.
Theo ông Lân, việc học theo phát triển năng lực không quá mới, nhiều nước đã làm từ 100 năm trước. Cụ thể, trong toán học, người thầy có thể dạy học sinh cách chủ động thu thập dữ liệu, phỏng đoán, tìm kiếm quy luật.
"Không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà phải mô tả rất kỹ cho học sinh thấy phải nháp, mày mò như thế nào để giải quyết bài toán đó và tạo điều kiện cho học sinh tập tành làm theo. Thói quen tư duy đó sau này trở thành thói quen của học sinh" - ông Lân cho biết.
Đi cùng với dạy học là kiểm tra đánh giá. Trước đây nói đến kiểm tra là nghĩ đến các kỳ thi nhưng trong chương trình mới được coi là một hoạt động học tập, mục đích chính là thu thập thông tin và phản hồi cho người học một cách chính xác. Còn bây giờ, những bài thi thay vì kiểm tra kiến thức thì sẽ thay bằng kiểm tra tư duy, năng lực của học sinh.
Theo dòng sự kiện, ông Bình giải thích, cá nhân hóa là dạy học dựa trên năng lực của từng học sinh. Em nào nhanh thì có phương pháp học khác, chậm có cách khác. Còn cá thể hóa là sâu hơn nữa, làm sao để chính các em biết mình muốn gì, thích và muốn đi theo hướng đó.
"Ngày xưa, phải đến năm thứ 2, 3 đại học tôi mới biết mình muốn đi theo hướng nào" - ông Bình bày tỏ.
Ông Bình đánh giá, ồn ào hiện nay là phần lớn học sinh thi vào đại học bằng các môn xã hội nhiều hơn tự nhiên, có lẽ chưa thể cân nhắc hết hậu quả lâu dài. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, cần học Toán học để biết tư duy, phân tích, hiểu.