11 giờ trưa, trước cửa ký túc xá một trường đại học tại Hà Nội, anh Nguyễn Đình Đức (25 tuổi, nhân viên giao hàng của một đơn vị vận chuyển) đang tất bật xếp những gói đồ lớn nhỏ thành hàng lối ngay ngắn trước mặt. Từ trong chiếc túi đựng hàng cỡ lớn, anh lần lượt lấy ra những bưu kiện khối lượng nhẹ rồi tới các món đồ lớn hơn. Tất cả các đơn hàng đã sẵn sàng chờ sinh viên trong ký túc xá tới nhận.
Với chiếc điện thoại luôn kề cận bên tai, anh Đức liên tục gọi cho khách hàng ra điểm hẹn nhận đơn. “Bạn có đơn hàng, ra cổng ký túc xá lấy về trước 15 giờ chiều nhé”. Chưa đầy 5 giây, cuộc gọi kết thúc, đôi mắt anh Đức lại tập trung tìm số điện thoại khách hàng trên bưu kiện tiếp theo.
Anh Đức chia sẻ: “Mỗi ngày, số cuộc gọi đi của tôi phải lên tới cả hàng trăm lần. Muốn nhận đầy đủ lương mỗi ngày, tôi phải giao thành công ít nhất 80% số đơn hàng ngày hôm đó, nếu không, lương sẽ bị trừ 5%. Chưa kể, tôi cần giải trình nếu không đạt chỉ tiêu, kho hàng cũng vì thế mà bị dồn tụ thêm lại vì hàng mới vẫn về liên tục mà hàng cũ chưa giao hết, rất nhiều vấn đề”.
Gọi điện cho khách để giao đồ nhưng anh Đức lại được “nhờ” giữ hộ giúp 1 tuần lễ vì lý do khách “đang đi du lịch, chưa thể về ngay”. Chàng trai 25 tuổi thở dài: “Công việc của tôi luôn xoay quanh những bất ngờ như thế này. Cứ thêm 1 khách chưa thể lấy hàng ngay là KPI của tôi sẽ bị ảnh hưởng thêm một chút. Nhiều bạn ngại thời tiết nắng, mưa nên khi gọi các bạn cũng chưa xuống ngay, có khi tôi phải ngồi chờ cả ngày".
Anh Đức khẽ lắc đầu khi nhắc đến những lời mà nhiều người nói về công việc của anh. “Nhiều bạn bảo tôi nhàn, nghĩ là chỉ ngồi một chỗ, nhận đơn rồi giao, dễ dàng lắm. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Công việc này nhìn tưởng như đơn giản, nhưng lại “căng như dây đàn”, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn”. Anh mỉm cười tiếp lời: “Không phải ai cũng hiểu được sự vất vả của công việc này đâu, nhưng tôi vẫn phải làm thôi, vì đó là nghề mình chọn mà”.
Quỳnh Mai, một sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ về trải nghiệm không mấy dễ chịu với shipper khi nhận hàng tại khu ký túc xá. “Nhiều lúc bận học hoặc đang trong lớp nên có anh shipper ở cổng ký túc xá gọi thì mình có nói với anh là chưa thể nhận được luôn đơn hàng. Ngay lập tức, đầu dây bên kia anh ấy lớn tiếng và thể hiện sự khó chịu: “Nhanh lên, còn bao nhiêu đơn nữa đây”. Mình hiểu công việc shipper có nhiều áp lực nhưng khách hàng cũng có những lý do bất khả kháng khiến họ không thể nhận hàng luôn. Thái độ gắt gỏng ấy khiến mình cảm thấy không thoải mái chút nào”.
Là một người có 4 năm kinh nghiệm làm shipper tại một cụm chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Kiên chia sẻ: “Với công việc shipper ngồi một chỗ, mọi thứ đều phải nhanh gọn và chính xác. Nếu không có một quy trình làm việc rõ ràng, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Do đó, tôi luôn cố gắng tự chủ động nhất có thể trong mọi tình huống.
Ví dụ, tôi thường xuyên xem dự báo thời tiết cho ngày giao hàng kế tiếp. Nếu tôi biết có khả năng thời tiết xấu, mưa hoặc bão sắp đến, tôi sẽ luôn chuẩn bị sẵn đồ che chắn như bọc nilon hoặc áo mưa để bảo vệ hàng hóa, tránh việc phải đền bù hàng cho khách”.
Theo anh Kiên, một việc quan trọng khác anh làm hàng ngày là kiểm tra tài khoản điện thoại trước khi làm việc. “Công việc của tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc liên lạc với khách hàng qua điện thoại. Nếu tài khoản không đủ cước gọi, tôi có thể gặp sự cố khi cần xác nhận thông tin hoặc xử lý yêu cầu gấp từ khách hàng. Vì vậy, mỗi sáng, trước khi bắt đầu nhận đơn, tôi luôn kiểm tra kỹ xem tài khoản điện thoại của mình còn đủ cước hay không, có khi phải tốn tiền triệu mỗi tháng cho tiền cước gọi điện thoại là chuyện bình thường”, anh nói thêm.
Anh Kiên cho biết, công việc của shipper cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố may rủi. Nếu được phân giao hàng ở tuyến có nhiều khách đặt thì sẽ có thu nhập tốt vì số tiền nhận được sẽ được tính dựa trên mỗi đơn hàng thành công, đa phần là 3.000 đồng/đơn. “Tôi hay giao ở cụm chung cư, lượng khách đặt đơn khá nhiều nên có thu nhập tương đối ổn định. Phương châm làm việc của tôi là luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt với khách để việc giao hàng trở nên thuận lợi, nhanh chóng. Như vậy thì khách hàng thoải mái mà bản thân tôi cũng không áp lực, có thể tập trung làm việc”.