NSND Thu Hiền và NSND Hoài Huệ
NSND Thu Hiền tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hiền, sinh năm 1952 tại Thái Bình, trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha bà là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, con gái một ông bầu hát nổi tiếng.
Năm 1971, Thu Hiền vào đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương để theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Tiếng hát của bà với những giai đoạn quan trọng của lịch sử cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Nhiều ca khúc do NSND Thu Hiền thể hiện ghi sâu trong ký ức người yêu nhạc nhiều thế hệ như: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh...
Nhờ những đóng góp to lớn với nền nhạc Cách mạng, Thu Hiền được phong Nghệ sĩ ưu tú từ rất sớm (năm 1984) và tới năm 1993 đã được xét duyệt phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.
Ít người biết, em trai và em dâu bà đều là những Nghệ sĩ Nhân dân: Hoài Huệ và Hồ Thu. Cả hai đều công tác tại Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Tại chương trình Khách sạn 5 sao, NSND Thu Hiền đã chia sẻ về tình cảm giữa mình với em trai ruột là NSND Hoài Huệ: "Hoàn cảnh đất nước lúc đó đang chiến tranh, tôi đi chiến trường khi mẹ mới sinh ra em trai tôi. Tôi bảo mẹ: Mẹ phải đi đẻ thật nhanh, mang em về cho con để con còn đi văn công.
Tôi đi chiến trường, thi thoảng mới được về nhà. Lần đó, tôi được ra Hưng Yên cùng đoàn để học trang bị triết học, mỹ học thì mới được gặp em. Lúc ấy, tôi mới 14 tuổi còn em tôi 4 tuổi. Tôi cứ có cái gì lại chạy sang cho em xong lại phải về. Tới năm 1976, tôi về thăm mẹ với em thì thấy Huệ đã lớn, cũng đi hát bài chòi, tiếp nối con đường của tôi ngày xưa nên tôi rất mừng".
NSND Hoài Huệ cũng tâm sự: "Tôi nhớ năm 1972 đi sơ tán ở Hà Tây, lâu lâu được bố mẹ cho về thăm chị. Lúc đó, chị đã có cháu rồi. Khi ấy, máy bay địch ném bom liên tục, tôi rất sợ nhưng vẫn muốn đến nhà chị vì mỗi lần đến đều được chị mua long nhãn cho ăn. Tôi vừa nhớ chị vừa nhớ long nhãn. Ngày tôi cưới vợ, người ta đi ăn đám cưới thì ít mà xem chị hát thì nhiều vì chị nổi tiếng lắm, hát hay nữa".
Hiện nay, nghệ sĩ Hoài Huệ ít diễn hơn mà chuyển sang làm đạo diễn. Nhiều tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, thường xuyên giành HCV, HCB tại các Liên hoan sân khấu.
NSND Lê Chức, NSƯT Lê Mai
Cặp chị em nghệ sĩ Lê Mai và Lê Chức cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023.
NSƯT Lê Mai và NSND Lê Chức sinh tại Hải Phòng. Hai nghệ sĩ xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu: Bố là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh hoạt động trong Đoàn kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng thời với Thế Lữ và Song Kim. Mẹ là Đinh Ngọc Anh, con gái nhà tư sản Vạn An Trường của đất Hải Phòng xưa. Bà Đinh Ngọc Anh cũng từng là diễn viên kịch trong đoàn kịch Gió biển của chồng mình (Lê Đại Thanh).
Năm 1954, nghệ sĩ Lê Mai theo bố lên Hà Nội nhận công tác ở Đoàn kịch Trung ương do nhà văn, nhà viết kịch Học Phi làm trưởng đoàn. Sau thời gian hoạt động chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương, bà về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Nghệ sĩ Lê Mai từng tham gia các vở Chuyện những người du kích, Đồng mía, Đêm tháng bảy, Hà Nội đầu năm 46, Tiền tuyến gọi…
Năm 1982 bà nghỉ hưu, sau đó cũng được một số đạo diễn mời đi đóng phim truyền hình với các tác phẩm như: Bà nội không thích ăn Pizza, Nếp nhà…
Trong khi đó, NSƯT Lê Chức sinh năm 1947, ông tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu ở Liên Xô cũ, là một đạo diễn sân khấu, biên kịch, nhà thơ, giảng viên nổi tiếng.
Năm 1965, ông theo học diễn viên rồi trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở Chiều cuối, Masa, Con cáo và chùm nho, Cửa mở hé…
NSƯT Lê Chức còn được khán giả biết đến qua việc đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu và một số chương trình nghệ thuật, được mệnh danh là "người có giọng đọc vàng" hay "giọng đọc huyền thoại" của ngành sân khấu, truyền hình.
Ông là đạo diễn, biên kịch và đọc lời bình cho nhiều vở kịch, rối, múa và phim tài liệu nổi tiếng như: Hoa Lư - Thăng Long bài ca dời đô, Định mệnh bất chợt, Thân phận nàng Kiều, Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, Hào khí Bạch Đằng giang…
NSƯT Lê Chức từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như: Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.