Dân Việt

Những con số "biết nói" về nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em ở Điện Biên

P.V 12/12/2024 20:55 GMT+7
Nhiều thay đổi sau khoảng 2 năm tỉnh Điện Biên tham gia dự án ACE. Hơn 300 lượt cán bộ được tập huấn về lao động trẻ em, 63 buổi truyền thông cho 3.991 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thành lập 1 điểm tham vấn tại huyện Mường Ảng... là những minh chứng cho nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em ở địa phương này.

 Giảm nguy cơ bị bóc lột lao động cho hơn 4.000 trẻ em tại 3 tỉnh, thành phố 

Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án ACE ở Điện Biên, Đà Nẵng, Quảng Nam, đã có hơn 4.000 trẻ em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống các hình thức lao động trẻ em.

Kết quả này được ông Doseba Tua Sinay, Trưởng Đại diện, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam chia sẻ trong Hội thảo tổng kết Dự án "Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên mạng, vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu" (dự án ACE) diễn ra vào tháng 9/2024 tại Hà Nội.

Dự án ACE, được triển khai từ tháng 11/2022 đến tháng 9/2024 tại các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Đà Nẵng, Quảng Nam, dưới sự tài trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Dự án ACE được triển khai tại Việt Nam đã dựa trên quy định pháp luật hiện hành để phát triển bộ công cụ rà soát lao động trẻ em nhằm sàng lọc và xác định nạn nhân và trẻ có nguy cơ lao động trẻ em.

Sau hơn hai năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: 1.152 cán bộ làm công tác trẻ em và các cộng tác viên được nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Trong số đó, 124 người đã hoàn thành khóa đào tạo giảng viên nguồn của dự án; 62 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức đã được tổ chức cho nhiều nhóm đối tượng: trẻ em, cha mẹ, các hộ kinh doanh, cộng đồng…

Cùng với đó, hơn 4.000 trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.

Hai điểm tham vấn và hỗ trợ trẻ em đã được thành lập tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) và thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam); phát triển khóa học trực tuyến về phòng ngừa lao động trẻ em, xây dựng bộ tài liệu truyền thông, tập huấn, và sản xuất bài hát về phòng ngừa lao động trẻ em.

Dự án ACE hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cho chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa lao động trẻ em, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu, thông qua cách tiếp cận toàn diện và khuyến khích sự tham gia của nhiều bên.

Dự án đã tập trung nguồn lực trong việc tăng cường thực thi chính sách, pháp luật, củng cố các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em, và thúc đẩy sự hợp tác với nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm các đơn vị trong và ngoài nhà nước.

Những con số "biết nói" về nỗ lực xoá bỏ lao động trẻ em ở Điện Biên

Những con số "biết nói" về nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em ở Điện Biên - Ảnh 2.

Nhiều thay đổi sau khoảng 2 năm tỉnh Điện Biên tham gia dự án ACE. Hơn 300 lượt cán bộ được tập huấn về lao động trẻ em, 63 buổi truyền thông cho 3.991 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thành lập 1 điểm tham vấn tại huyện Mường Ảng... là nhưng minh chứng cho nỗ lực xoá bỏ lao động trẻ em ở Điện Biên. Ảnh minh họa.

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 25,68% (35.922 hộ), trong đó huyện Tuần Giáo là 33,59%; Mường Ẳng là 22,13%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch về bảo vệ trẻ em như chương trình hành động, kế hoạch phòng ngừa lao động trẻ em trái quy định pháp luật. Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025; kế hoạch bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu về bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2021-2025….

Năm 2022, dự án ACE được triển khai tại Điện Biên, giúp địa phương này trong nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em.

Theo kế hoạch, dự án được triển khai tại 8 xã của huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo.

Dự án tập trung chủ yếu vào các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là tại cấp cơ sở; truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em; phân loại, xác định nhóm trẻ em nguy cơ là nạn nhân để có kế hoạch can thiệp kịp thời.

Trọng tâm là đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ phụ trách bản và các giáo viên trường THCS nội trú, những người trực tiếp thường xuyên làm việc và dạy dỗ trẻ.

Đến nay, đã có hơn 300 lượt cán bộ được tập huấn về các nội dung: Luật pháp chính sách, các tiêu chí xác định lao động trẻ em; thanh tra lao động; cơ chế báo cáo, xử lý; kỹ năng truyền thông; kỹ năng đi xa an toàn dành cho trẻ; nguyên tắc và kỹ năng khi làm việc với trẻ…

Tính đến 30/8/2024, tại địa bàn 8 xã triển khai dự án đã có 100% cán bộ cấp xã, cộng tác viên thôn/bản và đội ngũ giáo viên THCS đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa lao động trẻ em.

100% công chức văn hóa xã hội và đội ngũ giáo viên (mỗi trường có 2-3 giáo viên chuyên trách) đã tự tin thực hiện định kỳ các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và các buổi ngoại khóa tại trường học cho trẻ em, cung cấp cho trẻ em các kiến thức và kỹ năng quan trọng về phòng ngừa và bảo vệ bản thân khỏi lao động trẻ em.

Bên cạnh đó, tại Điện Biên cũng đã tổ chức 63 buổi truyền thông cho 3.991 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người sử dụng lao động; tổ chức 3 lễ phát động với trên 1000 người tham gia….

Đặc biệt, thành lập 1 điểm tham vấn tại huyện Mường Ảng góp phần cải thiện các dịch vụ cung cấp cho trẻ em, bao gồm trẻ nạn nhân và có nguy cơ lao động trẻ em; tiến hành rà soát, phân loại nhóm trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em cho 2.300 hộ gia đình; có kế hoạch can thiệp cụ thể với nhóm nguy cơ cao; 1.046 trẻ được nhận các hỗ trợ từ dự án, bao gồm: bàn ghế, xe đạp, balô, máy tính, và tham gia vào các hoạt động truyền thông, …

Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Nhuần - Trưởng phòng trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên bà cho biết: “Điều khiến tôi ấn tượng nhất là dự án luôn lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu của địa phương, từ đó triển khai các hoạt động, can thiệp phù hợp với bối cảnh cũng như phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương".