Ngày 11/12, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X khai mạc kỳ họp thứ 22. Ban Kinh tế - Ngân sách đã thông qua báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, và kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Trước đó, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trong 10 tháng năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách năm 2024 là hơn 16.280,5 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2024, tỉnh giải ngân hơn 7.048 tỷ đồng, đạt 43,29% kế hoạch.
Năm 2024, tỉnh Đồng Nai thực hiện 16 dự án, công trình trọng điểm.
Dự án đường vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai đang triển khai thi công. Kế hoạch năm 2024 bố trí cho dự án thành phần 3 (gói xây lắp) là 705,385 tỷ đồng. Tỉnh giải ngân mới đạt 32%.
Dự án thành phần 1 của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có kế hoạch bố trí cho xây lắp (thành phần 3) là 439,247 tỷ đồng; giải ngân 18%. Kế hoạch bố trí cho giải phóng mặt bằng là hơn 2.714,7 tỷ đồng; chỉ giải ngân đạt 62%.
Một dự án khác như đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn) hiện đang thi công. Kế hoạch năm 2024 bố trí hơn 221,5 tỷ đồng, tỉnh giải ngân 56% kế hoạch.
UBND tỉnh Đồng Nia đánh giá, tỷ lệ giải ngân bình quân 10 tháng đầu năm 2024 của tỉnh chỉ đạt 45,73%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước là gần 51%.
Tỷ lệ lệ giải ngân các dự án trọng điểm của tỉnh trong 10 tháng cũng đạt thấp. Tổng số vốn kế hoạch là hơn 7.589,3 tỷ đồng; giải ngân đến cuối tháng 10 là hơn 3.888,8 tỷ đồng, đạt 57,95%.
Thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân do một số dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2024 bố trí vốn chuyển tiếp. Tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao do phải hoàn ứng phần tạm ứng hợp đồng.
Một số dự án bố trí vốn khởi công mới năm 2024 đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, trình thẩm định phê duyệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở sở lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.
Vướng mắc về đất đắp; vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, (đặc biệt là ở các dự án giao thông) là nguyên nhân chủ yếu.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch triển khai, năng lực của một số đơn vị nhà thầu còn hạn chế.
Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm và giá trị giải ngân đạt thấp.
Ông Nguyễn Kim Phước – Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2024, phấn đấu đạt tỷ lệ 95% cả năm.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2025, tổng nguồn vốn ngân sách là hơn 15.334,3 tỷ đồng.
Về nguồn vốn khai thác đấu giá đất, UBND tỉnh không giao thêm nguồn vốn khai thác đấu giá đất như các năm trước (do không còn nguồn đấu giá đất còn dư).
Như vậy, nguồn vốn đấu giá đất năm 2025 thấp hơn 5.000 tỷ đồng so với nguồn vốn đấu giá đất năm 2025 theo Nghị quyết 31 của HĐND; đồng thời, thấp hơn 9.344 tỷ đồng so với nguồn vốn đấu còn lại năm 2025.
Điều này cũng thể hiện công tác dự kiến nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất chưa tốt, gây khó khăn trong việc xác định nguồn vốn để xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, báo cáo chỉ rõ.