Theo số liệu từ Bộ Công an, đến cuối năm 2023 TP.HCM có 1.310.323 người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,05% dân số).
Từ năm 2017 TP.HCM đã bước vào giai đoạn già hóa và dự báo đến năm 2030, tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 20% (tương đương khoảng 1,8 triệu người). Đặc biệt, đến năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (trên 30% tổng dân số).
Ông Phạm Bình An - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết TP.HCM là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, hiện nay đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam. Quy mô người cao tuổi đang tăng nhanh cả về số lượng và tỉ trọng.
Cùng vấn đề, ThS Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - thông tin TP bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số sau cả nước 7 năm (2017) nhưng hiện số người cao tuổi đang có tốc độ tăng rất nhanh.
Chỉ trong vòng 7 năm từ năm 2017 đến năm 2023, số người cao tuổi tại TP tăng từ 200.000 đến 250.000 người, trung bình một năm có khoảng 45.000 người.
Chỉ số già hóa dân số TP.HCM đang ở mức cao nhất cả nước. Năm 2023 là 65,36 tuổi, có nghĩa là cứ 100 người trẻ dưới 15 tuổi có 65,36 người trên 60 tuổi. Quá trình này diễn ra dưới tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tỉ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Cũng theo ông Trung, năm 2023 tuổi thọ bình quân của người dân TP là 76,46 tuổi, cao hơn so với cả nước là 74,50 tuổi. Tuổi thọ trung bình cao của người Việt Nam nói chung và của TP hiện ở mức tương đối cao, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn còn thấp.
Cụ thể, người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc trên 2 bệnh không lây nhiễm phải điều trị suốt đời.
Già hóa dân số cũng làm cho cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...
Nếu không được giải quyết thỏa đáng, tất cả những hệ lụy đó sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.
Chính vì thế, ông Trung đề xuất TP cần có những kiến nghị xác đáng trong việc triển khai bảo hiểm tuổi già. Bài học Nhật Bản họ chuẩn bị cho câu chuyện già hóa dân số bắt đầu từ thế hệ trẻ, bắt đầu vào độ tuổi 40, người dân đã phải tham gia vào bảo hiểm chăm sóc tuổi già.
Tại Việt Nam trong năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ tăng 953.000 người, thế nhưng số người lao động thực hiện rút bảo hiểm xã hội một lần lên tới 980.000 người.
Qua đây, ông Trung cho rằng công tác chuẩn bị cho bảo hiểm tuổi già và phương hướng đối mặt với làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa thật sự rõ ràng, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Bên cạnh đó cần phải xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội, viện dưỡng lão cho người cao tuổi. Hiện những cơ sở này còn rất ít, cả TP chỉ có 25-30 cơ sở bảo trợ xã hội so với nhu cầu thực tế.
Do vậy cần có cơ chế chính sách về thuế, giao đất huy động tư nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ nhà dưỡng lão cho người cao tuổi, phân theo phân khúc, loại hình dịch vụ.