Dân Việt

Vụ người phụ nữ bị khởi tố vì nhổ 25 cây ngô của hàng xóm, căn cứ nào để khởi tố hình sự?

Quang Trung 12/12/2024 19:24 GMT+7
Người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng bị khởi tố tội hủy hoại tài sản sau khi nhổ 25 cây ngô của nhà hàng xóm. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Người phụ nữ bị khởi tố vì nhổ 25 cây ngô của hàng xóm

Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với T.T.S (sinh năm 1969, trú tại xóm 1, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng) về tội "Hủy hoại tài sản".

Trước đó, ngày 28/8, bà S. có hành vi nhổ 25 cây ngô do bà L.T.T (ở xóm 1, xã Chu Trinh) trồng. Theo lời khai của bà S., đi làm rẫy về qua đất trồng ngô của T., thấy bà T. trồng ngô chặn lối mòn gia đình thường đi lại nên đã nhổ bỏ.

Quá trình xác minh, xác định ngày 25/9/2023, bà S. đã bị công an thành phố Cao Bằng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Hủy hoại tài sản của cá nhân" quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Vụ người phụ nữ bị khởi tố vì nhổ 25 cây ngô của hàng xóm, căn cứ nào để khởi tố hình sự?- Ảnh 1.

Bà T.T.S tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Tại thời điểm bà S. nhổ phá ngô của T. thì bà S. chưa chấp hành quyết định xử phạt nêu trên. Chỉ trong 12 tháng, bà S. đã thực hiện 2 vụ hủy hoại tài sản mà không chấp hành quyết định xử phạt hành chính nên đã bị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Quy định về hành vi hủy hoại tài sản của người khác

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định, cây trồng cũng là tài sản, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, chính đáng của mọi công dân.

Bởi vậy cây cối hoa màu được trồng theo chính sách phát triển nông nghiệp, phục vụ nhu cầu về lương thực của người dân sẽ được pháp luật bảo vệ, người nào do mâu thuẫn thù tức mà hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng cây trồng của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Nếu hành vi hủy hoại tài sản mà gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng lần đầu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn một năm kể từ thời điểm phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự.

Theo ông Cường, trong vụ án này, cơ quan điều tra cho biết giá trị 25 cây ngô không lớn, song bị can thường xuyên có hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Chưa đầy 12 tháng từ khi bị xử phạt hành chính, bà này lại gây ra một vụ tương tự.

Đây là vụ án khá hi hữu vì giá trị tài sản không lớn, tuy nhiên cơ quan điều tra cho rằng người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của đối tượng và hậu quả mà người này đã gây ra với xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là trường hợp bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng nên sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Nếu có căn cứ cho thấy bị can có thể tiếp tục phạm tội, khi đó mới có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Trong vụ việc này trường hợp kết tội, mức xử phạt là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ cũng đủ sức răn đe.

Vị chuyên gia cho biết thêm, tội hủy hoại tài sản đòi hỏi người thực hiện hành vi phải thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả thiệt hại về tài sản của người khác có thể xảy ra.

Vì thế, nguyên nhân của sự việc, nhận thức về hành vi, đánh giá hậu quả thiệt hại đã gây ra là những yếu tố quan trọng để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong vụ án này.

Đồng thờ, cơ quan chức năng cũng sẽ có hình thức xử lý phù hợp đảm bảo tính chất răn đe phòng ngừa chung cho xã hội cũng như đảm bảo quyền lợi của bị can, đảm bảo áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, công bằng.