Dân Việt

Hà Nội: Các tình huống giả định về sự cố đê điều được xử lý nhanh chóng, kịp thời

PV 13/12/2024 11:42 GMT+7
Lực lượng chức năng đã tập huấn, thực hiện rất thành thạo các thao tác kỹ thuật xử lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều trên địa bàn các xã, phường nói riêng và Hà Nội nói chung trong mùa mưa lũ.

Nội dung diễn tập nhằm thực hiện theo Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố về việc thực hiện Đề án: "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Việc diễn tập nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;

Hà Nội: Các tình huống giả định về sự cố đê điều được xử lý nhanh chóng, kịp thời - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đã tập huấn, thực hiện rất thành thạo các thao tác kỹ thuật xử lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều trên địa bàn các xã, phường ở Hà Nội. Ảnh: T.T.

Hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Tại huyện Ba Vì, tình huống giả định của buổi diễn tập được đưa ra là do mưa lớn diện rộng kéo dài trong nhiều ngày, kết hợp việc mở cửa xả lũ các hồ thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mực nước sông Hồng dâng cao trên báo động lũ cấp III. Đặc biệt, đê hữu Hồng, đoạn xã Phong Vân xuất hiện một số vị trí thẩm lậu mái đê, sạt trượt mái đê phía trong đồng, tràn cục bộ qua mặt đê...cần phải xử lý.

Tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, trong quá trình tuần tra đê theo quy định, lực lượng tuần tra đê phát hiện tại vị trí tương ứng K7+500-K7+530 đê Ngọc Tảo xuất hiện hiện tượng thẩm lậu mái đê trong khi mực nước sông Hồng đang ở mức trên Báo động số 3. Phạm vi xảy ra thẩm lậu có chiều dài theo mái đê khoảng 30m, cao trình xuất hiện thẩm lậu tương ứng +13,5m.

Tiếp tục tuần tra đê theo quy định, lực lượng tuần tra đê phát hiện tại vị trí tương ứng K7+550-K7+580 đê Ngọc Tảo thấy mặt đê bị nứt dọc vết nứt dài 30m, rộng từ 1-10cm, sâu từ 1-10 cm, cách mép nhựa phía hạ lưu 1m.

Còn tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, trong quá trình tuần tra đê theo quy định, lực lượng tuần tra đê phát hiện 3 sự cố: Đê Hữu Đáy thấp cục bộ, nước xấp xỉ tràn qua mặt đê, gây nguy hiểm đến thân đê và chân đê phía hạ lưu;

Đê Hữu Đáy xuất hiện cung sạt mái đê phía đồng, cách mặt đê 2,0m, cao trình mặt đê +12.1. Kích thước hiện trạng sự cố dài 20m, rộng 5m, vách cung sạt cao 0,3m;

Đê Hữu Đáy xuất hiện hiện tượng thẩm lậu mái đê phía đồng, hiện tại mực nước sông Đáy đang ở mức trên Báo động số 3. Phạm vi xảy ra thẩm lậu có chiều dài theo mái đê khoảng 30m, cao trình xuất hiện thẩm lậu tương ứng +9,0m.

Hà Nội: Các tình huống giả định về sự cố đê điều được xử lý nhanh chóng, kịp thời - Ảnh 2.

Cán bộ xử lý các tình huống giả định về sự cố đê điều. Ảnh: T.T.

Trước các tình huống nêu trên, sau khi nhận được các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã Phú Nam An, Phong Vân, Ngọc Tảo đã tổ chức cuộc họp vận hành cơ chế quán triệt, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban ngành, đoàn thể trong xã.

Đồng thời, đưa ra chủ trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo vệ đê, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh không để người dân bị đuối nước, bị đói, bị khát, bị thương vong do điện giật, dịch bệnh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Tại các buổi diễn tập, sau phần vận hành cơ chế chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, buổi diễn tập chuyển sang giai đoạn thực hành về thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho cộng đồng; tuần tra canh gác, kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai và trọng điểm, xung yếu; thực hành xử lý sự cố thẩm lậu và cung sạt trên mái đê, sự cố nước tràn mặt đê...

Đặc biệt, là việc xử lý các tình huống giả định về sự cố đê điều được lực lượng chức năng thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Tất cả các tình huống được xử lý xong chỉ sau 1h triển khai.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã thực hiện theo đúng phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo xử lý kịp thời, an toàn các tình huống sự cố đê điều.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, các buổi diễn tập đã hoàn thành đúng chương trình, bảo đảm tuân thủ đúng quy trình và an toàn trong quá trình xử lý các sự cố đê điều. Thông qua diễn tập, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai trên địa bàn đã có thêm những kiến thức, kỹ năng bảo vệ hệ thống đê điều.

Hà Nội: Các tình huống giả định về sự cố đê điều được xử lý nhanh chóng, kịp thời - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng diễn tập đắp bao cát chống tràn qua mặt đê. Ảnh: T.T.

Cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương cũng có được những kinh nghiệm tốt để rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.

Với các địa phương, sau buổi diễn tập tình huống, họ có dịp rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.

Lãnh đạo các xã, huyện trên địa bàn Hà Nội mong muốn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tổ chức nhiều buổi diễn tập cho địa phương nhằm trang bị thêm kiến thức, xử lý tình huống cho cán bộ người dân, nhất là trong thời điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra trái quy luật như hiện nay.

Hiện nay, hằng năm, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đều phối hợp với các quận huyện, tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý các sự cố về đê điều cho các lực lượng XKTT, XKCĐ và lực lượng TTCG cho tất cả các xã ven đê.

Do vậy, khi có các sự cố xảy ra trên địa bàn, các lực lượng đã được tập huấn thực hiện rất thành thạo các thao tác kỹ thuật xử lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều trên địa bàn các xã nói riêng và Hà Nội nói chung trong mùa mưa lũ.

Công tác quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều đã được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước. Trong những năm qua, nước ta đã xây dựng và ban hành đồng bộ hệ thống pháp luật về đê điều, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đê điều hiện nay như: Luật Đê điều năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020; các nghị định, thông tư trong đó có rất nhiều quy định cụ thể về chính sách, cơ chế đầu tư cho việc tu bổ, nâng cấp đê điều…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt các chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển như: Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg, ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; Quyết định số 667/2009/QĐ-TTg, ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; Quyết định số 2068/2009/QĐ-TTg, ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020...