Trước đó lúc 22h27 ngày 9/12, ô tô con mang biển kiểm soát 36K-103.63 do tài xế anh Lê Văn Mạnh (SN 1987, trú thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 45.
Khi ô tô nêu trên lưu thông đến Km56+350, đoạn qua xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, xảy ra va chạm với xe máy không có biển kiểm soát do một người cùng tên Lê Văn Mạnh điều khiển, chở theo Nguyễn Xuân Hiếu (cả hai SN 2008, trú xã Định Hải, huyện Yên Định), chạy theo hướng ngược lại với tốc độ cao.
Cú đâm mạnh khiến Lê Văn Mạnh ở xã Định Hải bị hất lộn nhào trên cao, rơi xuống đường, tử vong tại bệnh viện, còn Nguyễn Xuân Hiếu bị thương nặng.
Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do Lê Văn Mạnh điều khiển mô tô không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường gây tai nạn giao thông. Do Lê Văn Mạnh mới 16 tuổi nên lực lượng chức năng đang làm rõ trách nhiệm của người giao xe.
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tình trạng xe máy đi ngược chiều, đi quá tốc độ, đi lấn làn đường... dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân, đặc biệt làm rõ yếu tố lỗi của người điều khiển xe máy và ô tô (nếu có). Trong vụ tai nạn giao thông này người điều khiển xe mô tô có lỗi là rất rõ ràng, còn đối với người điều khiển ô tô, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khả năng quan sát và làm chủ tốc độ của tài xế ô tô này.
Trường hợp có căn cứ cho thấy người lái xe ô tô cũng có lỗi, nhưng không phải là lỗi chính, không tất yếu dẫn đến vụ tai nạn sẽ không khởi tố đối với người điều khiển xe ô tô. Chỉ có trường hợp lỗi hỗn hợp, hai bên đều có lỗi và đều là nguyên nhân chính mới xử lý hình sự về về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật hình sự 2015 đối với người điều khiển xe ô tô trong tình huống tai nạn như thế này.
Trường hợp phía cơ quan điều tra xác định ô tô đi đúng luật về làn đường, tốc độ, khả năng quan sát, người đi xe máy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kể cả về cái chết của mình. Tuy nhiên, hai thiếu niên này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của người đã giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người chết không có nghĩa vụ phải bồi thường. Như vậy, trong trường hợp thiếu niên gây ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản cho người khác đã chết thì bố mẹ hoặc người giám hộ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.
Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phụ huynh còn có thể bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông
Nếu người được giao xe gây tai nạn nghiêm trọng, chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh phụ huynh của những người này có biết rõ con của mình không có giấy phép lái xe, vẫn giao xe cho con sử dụng, từ đó gây tai nạn dẫn đến chết người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh này.