Dân Việt

Nguyễn Đình Thi để lại những di sản văn hóa, văn nghệ nào cho hôm nay?

Thủy Vũ 12/12/2024 20:34 GMT+7
Chiều 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp Thành ủy Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay" nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024).

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ…

Nguyễn Đình Thi để lại những di sản văn hóa, văn nghệ nào cho hôm nay?- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Thái

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi - một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Ông đã đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình, triết học, ngoại giao văn hóa.

Đặc biệt ở lĩnh vực văn học, Nguyễn Đình Thi có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946 - 1985.

Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ như: Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ... minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam “vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…

Trong lĩnh vực âm nhạc, Nguyễn Đình Thi cũng hoàn thành xuất sắc vai trò tạo sự kết nối giữa nghệ thuật với cách mạng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, cách mạng đang sục sôi. Các ca khúc Căm hờn, Diệt phát xít, Du kích quân (1945), Người Hà Nội... đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc, thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống…

Nguyễn Đình Thi để lại những di sản văn hóa, văn nghệ nào cho hôm nay?- Ảnh 2.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Quang Thái

Với những cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật...

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó là, chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước thì tác phẩm mới thực sự có giá trị cao, lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Nguyễn Đình Thi để lại những di sản văn hóa, văn nghệ nào cho hôm nay?- Ảnh 3.

Giáo sư Hà Minh Đức trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Quang Thái

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà; đồng hành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

“Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Mong sao, mỗi văn nghệ sĩ chúng ta đều nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.