Đại học Y Tân Cương (Trung Quốc) ngày 28/10 đã công bố thông báo chính thức về việc buộc thôi học một sinh viên ngành Y học cổ truyền do hành vi giả mạo danh tính. Sinh viên Tống Thành Phượng, tên khai sinh là Tôn Á Bình, quê tại Phụ Dương, tỉnh An Huy, đã sử dụng danh tính giả để vượt qua kỳ thi cấp 3 và kỳ thi tuyển sinh đại học. Hành vi này giúp nữ sinh trúng tuyển vào Đại học Y Tân Cương vào tháng 9/2021, trở thành sinh viên ngành Y học cổ truyền.
Quyết định của trường căn cứ theo các quy định từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, cụ thể là Điều 37 trong Thông tư số 41 về quản lý sinh viên và Điều 11 trong Thông tư số 36 về xử lý hành vi gian lận thi tuyển. Tại cuộc họp lần thứ 8 của nhà trường, ban giám hiệu đã thống nhất hủy tư cách sinh viên của Tống Thành Phượng. Thông báo có hiệu lực từ ngày 28/10 đến ngày 3/11/2024.
Dù vậy, Đại học Y Tân Cương chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về sự việc. Trường hợp này một lần nữa làm dấy lên sự chú ý về vấn nạn giả mạo danh tính trong giáo dục đại học Trung Quốc.
Trung Quốc từng đối mặt với nhiều vụ giả mạo danh tính để vào đại học. Trong giai đoạn 2018-2019, Sở Giáo dục tỉnh Sơn Đông phát hiện 242 sinh viên tại 14 trường sử dụng danh tính người khác để trúng tuyển. Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng trong giáo dục mà còn làm xói mòn lòng tin vào hệ thống tuyển sinh.
Tương tự, cách đây không lâu, Đại học Khoa học và Công nghệ Macau đã tiến hành rà soát thông tin sinh viên với chính quyền Hong Kong và phát hiện 24 sinh viên nộp kết quả HKDSE giả để được nhận vào học.
Sau khi xác định bằng cấp là giả mạo, Cơ quan Khảo thí và Đánh giá Hong Kong (HKEAA) đã mời cảnh sát vào cuộc. Những người liên quan đang được điều tra về vụ việc. Nhà trường cũng đã báo cáo tình hình lên Cục Phát triển Giáo dục và Thanh niên (DSEDJ) theo đúng quy định.
"Nhà trường đã thu hồi thông báo trúng tuyển của các sinh viên này và điều tra hành vi của họ. Chính quyền Hong Kong cũng đã chuyển vụ việc tới cảnh sát, phối hợp với nhà trường để điều tra thêm", HKEAA thông báo.
DSEDJ cho biết đã yêu cầu tất cả trường đại học ở Macau tăng cường các biện pháp để xác minh trình độ học vấn và kết quả thi. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp gian lận nào.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh để chống gian lận bằng cấp, các đơn vị đã hợp tác với nhau nhằm thắt chặt các kẽ hở. Từ tháng 6 đến tháng 8/2024, các hướng dẫn về tuyển sinh và xác định trình độ học vấn đã được ban hành.
Bà Christine Choi Yuk-lin, Bộ trưởng Giáo dục Hong Kong, chỉ trích mạnh mẽ các hành vi gian lận. Trao đổi với SCMP, bà nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của hành vi gian lận, lưu ý rằng sử dụng tài liệu giả là hành vi phạm tội nghiêm trọng, có thể bị phạt tối đa 14 năm tù.
Bà Choi xác nhận tất cả 24 bằng tốt nghiệp được nộp về trường đều là giả. Bà cho biết cơ quan cảnh sát đã gửi báo cáo sao khi phát hiện, yêu cầu các trường đại học phối hợp với HKEAA xác minh bất kỳ bằng cấp đáng ngờ nào.
Trước thực trạng trên, năm 2020, Trung Quốc đã bổ sung tội mạo danh vào Bộ luật Hình sự. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tù 3 năm, kèm theo các hình phạt bổ sung như phạt tiền, giam giữ hoặc quản chế. Điều này thể hiện sự quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thí sinh chân chính.