Dân Việt

Điều gì khiến những quả ném biên của ĐT Indonesia nguy hiểm, khó cản phá?

Trần Oánh 13/12/2024 07:10 GMT+7
Trước đây, với tư duy bóng đá truyền thống, tấn công bằng quả ném biên thẳng vào phía cầu môn đối phương được coi thiếu tư duy chiến thuật, không hiệu quả. Nhưng chúng ta đang cảm thấy vô lý khi các thủ môn và hậu vệ tỏ ra lúng túng trong việc cản phá pha bóng có vẻ đơn giản này của ĐT Indonesia.

Vì sao những quả ném biên của ĐT Indonesia nguy hiểm?

Các cấp độ ĐT Indonesia có 1 miếng đánh đặc sản, không ít lần giúp đội bóng này ghi bàn thắng vào lưới các đối thủ, kể cả những đội bóng mạnh ở châu lục, đó là những quả ném biên thẳng vào khu vực cầu môn của Pratama Arhan, cầu thủ có khả năng ném biên rất mạnh. ĐT Việt Nam cũng đã không ít lần khốn khổ vì quả ném biên này của Pratama Arhan.

Trước đây, với tư duy bóng đá truyền thống, tấn công bằng quả ném biên thẳng vào phía cầu môn đối phương được coi thiếu tư duy chiến thuật, nghiệp dư và không hiệu quả. Nhưng qua thực tế thi đấu, ta thấy ĐT Indonesia đã rất nhiều lần thực hiện nó hiệu quả. Mà không chỉ Indonesia, chính ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier cũng đã có lúc áp dụng miếng đánh này, tất nhiên là chưa hiệu quả. Và ngay trong giải đấu này, ĐT Malaysia cũng rất tích cực sử dụng quả ném biên thẳng vào khu cầu môn đối phương trong trận gặp Timor Leste.

Điều gì khiến những quả ném biên của Indonesia nguy hiểm, khó cản phá? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam sẽ gặp ĐT Indonesia ở lượt trận sắp tới và sẽ phải dè chừng những quả ném biên rất khó chịu của Pratama Arhan. Ảnh: FPT Play

Trong vai trò người xem, chúng ta có cảm giác rằng tấn công bằng các pha ném biên gần như vô hại. Bóng bay chậm, không căng và rất ít xoáy. Chúng ta càng cảm thấy vô lý khi cả thủ môn và hàng hậu vệ tỏ ra lúng túng trong việc cản phá pha bóng có vẻ đơn giản này. Nhưng thực tế thì như chúng ta đều thấy, nó vẫn có thể dẫn đến bàn thua và không đơn giản và dễ cản phá như chúng ta tưởng.

Vậy tại sao miếng tấn công tưởng như "vớ vẩn", nghiệp dư này lại hiệu quả và gây khó khăn cho hàng phòng ngự đối phương đến vậy?

Nếu chỉ đơn thuần ném biên, không luyện tập phối hợp thì đúng quả ném biên chỉ là 1 pha bóng đơn giản. Nhưng bằng các động thái phối hợp của các cầu thủ tấn công có mặt trong vòng cấm địa trước cầu môn, quả ném biên trở nên lợi hại. Lợi thế tuyệt đối của quả ném biên so với một quả đá phạt trực tiếp là các cầu thủ nhận bóng không bị phạt việt vị dù đứng nhận bóng ở bất kỳ vị trí nào. Điều đó dẫn đến khi dàn xếp ném biên, các cầu thủ tiền đạo bên được ném biên có thể đứng bất kỳ đâu để chờ bóng mà không bị luật việt vị chi phối. Đây là lợi thế rất lớn cho bên tấn công.

Nhưng không chỉ có thế, việc có thể đứng ở mọi chỗ mà không lo việt vị giúp các cầu thủ tấn công có thể thoải mái sáng tạo tổ chức phối hợp, kiểu như có thể cắt cử người đứng cản đường ra vào của thủ môn đối phương, hạn chế lợi thế dùng tay của thủ môn khi thủ môn có ý định lao ra can thiệp. Khi không có sự can thiệp đầy đủ của thủ môn, bất lợi bắt đầu nghiêng về phía bên phòng thủ, khi bóng tiếp tục bay hướng về phía cầu môn.

Có một điều nữa gây khó khăn cho bên phòng thủ, đó là quả bóng ném biên không mạnh, ít xoáy, quỹ đạo bay của nó không có gì đặc biệt, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ quỹ đạo không có gì đặc biệt đó lại không giống với quỹ đạo của bất kỳ một kỹ thuật đá bóng nào. Chính sự khác biệt so với quỹ đạo bay thông thường của cú đá khiến cho cả thủ môn và các hậu vệ rất dễ đón hụt điểm rơi. Và khi thủ môn hay trung vệ đón hụt điểm rơi, bàn thua đã đến rất gần rồi.

Điều gì khiến những quả ném biên của Indonesia nguy hiểm, khó cản phá? - Ảnh 2.

HLV Shin Tea-yong và HLV Kim Sang-sik sắp chạm trán nhau tại ASEAN Cup 2024. Ảnh: SP

Có ý kiến cho rằng, để đối phó với các quả ném biên này của ĐT Indonesia, tốt nhất các cầu thủ Việt Nam nên hạn chế đá bóng ra biên bên phần sân nhà. Điều này đúng về lý thuyết, nhưng không đúng trong thực tế. Lý do là việc phá bóng ra biên là 1 giải pháp an toàn trong phòng thủ. Không thể chỉ để an toàn vì sợ quả ném biên nguy hiểm, chúng ta lại đánh đổi bằng cách hy sinh một biện pháp an toàn khác. Đương nhiên, để hóa giải các pha ném biên này, HLV Kim Sang-sik và các học trò đã có những nghiên cứu của mình, kiểu như xem lại các pha phối hợp ném biên của Indonesia trong quá khứ, luyện tập chống ném biên mô phỏng theo các tình huống thực tế...

Trong một trận đấu bóng đá, có rất nhiều yếu tố thể hiện sự đấu trí giữa 2 HLV mà thường thì người xem khó đọc được. Nhưng trong trận đấu vào tối 15/12 của ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia tới đây, ném biên và chống ném biên chính là một cuộc đấu trí dễ thấy nhất của 2 HLV Kim Sang-sik và Shin Tae-yong.

Xem ASEAN Championship Mitsubishi Electric Cup 2024 trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn