Giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt kỷ lục mới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” sáng 13/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD. Đây là một kỷ lục.
Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là ĐBSCL (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NNPTNT rất quan tâm.
Vừa qua, Bộ NNPTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác như phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre, cho biết, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Sở NNPTNT Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Triển khai hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mong sớm có cơ chế hỗ trợ
Dù là mặt hàng được đánh giá có nhiều tiềm năng xuất khẩu và dự đoán sẽ sớm chính phục mốc xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành dừa của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam khẳng định: Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0%, nên nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Ngoài ra, từ 1/1/2025, Indonesia là thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư. Như vậy, nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng.
"Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc", bà Thanh nhận định.
Điều đáng báo động hơn là tình trạng mua bán mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) trong ngành dừa và nông sản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group cho rằng: "Đây là một vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xuất khẩu dừa".
Theo ông Phú, hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp MSVT đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.
"Việc gian lận này đang đe dọa uy tín quốc gia, làm giảm niềm tin của đối tác quốc tế và cản trở việc mở rộng thị trường. Để khắc phục, cần xây dựng hệ thống số hóa để quản lý MSVT và CSĐG chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Chỉ khi các biện pháp giám sát và quản lý được thực hiện đồng bộ, ngành xuất khẩu dừa mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, đảm bảo vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai", ông Phú nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành dừa của Việt Nam, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Giám đốc Công ty Thực phẩm Kết nối Toàn cầu đề xuất cần xây dựng các chính sách dựa trên đặc tính của dừa (tươi hoặc khô) và theo từng giai đoạn cung ứng để tối ưu hóa năng lực thu mua và tiêu thụ của doanh nghiệp. Ví dụ, trong thời điểm nguồn cung ít, chính sách cần hướng đến việc tận thu và sử dụng tại chỗ. Trong thời điểm nguồn cung dồi dào như tháng 6-7, nên đẩy mạnh xuất khẩu.
Sự hài hòa là yếu tố không thể thiếu trong chuỗi liên kết này. Nông dân cần hiểu rõ lợi ích và vai trò của mình để tham gia hiệu quả. Lãnh đạo Công ty Thực phẩm Kết nối Toàn cầu lấy ví dụ từ ngành sầu riêng, nơi mỗi nông dân đều đóng vai trò như một thương lái, đảm bảo giao dịch minh bạch và bình đẳng. Cơ chế chia sẻ thông tin từ nguồn hàng trực tiếp, từ Trung Quốc hay Mỹ… giúp nông dân không bị thiệt khi tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu và doanh nghiệp ổn định và thu mua với giá hợp lý, tạo sự tin tưởng giữa các bên.
"Để xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể hiệu quả, cần có sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan", ông Phương khẳng định.