Tại dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho biết, về lựa chọn ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 10 triệu đồng trở lên; cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 100 triệu đồng trở lên là căn cứ vào số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, và căn cứ vào nguồn lực của cơ quan quản lý thuế.
Nếu ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 10 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 100 triệu đồng trở lên thì có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Nếu chọn ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 50 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên thì có khoảng 81.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Nếu chọn ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 1 tỷ đồng trở lên thì có khoảng 40.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Bộ Tài chính, mức áp dụng 10 triệu đồng đối với cá nhân, và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.. vừa tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế. Vừa nuôi dưỡng, vừa đảm bảo công tác thu ngân sách, công tác quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế.
Về lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày, theo quy định hiện hành, người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày thì thông thường cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc (3 kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế..
Việc lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày đồng thời để đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài, khó thu hồi nợ. Bên cạnh đó, nhóm nợ có thời gian nợ từ 120 ngày trở lên cũng đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng.
Riêng đối với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký mà vẫn còn nợ thuế, cần áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi được nợ thuế vào ngân sách. Do đó, đối với trường hợp này, dự thảo Nghị định không quy định ngưỡng nợ và thời gian nợ mà áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Trả lời Công văn số 13210/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo, mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi góp ý.
Theo đó, VCCI cho rằng Điều 1 của Dự thảo quy định cụ thể về ngưỡng nợ và thời gian nợ thuế còn chưa thực sự bình đẳng.
"Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh hay doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đều là người nộp thuế và đều chịu các quy định về quản lý thuế tương tự như nhau. Các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cũng có thể bị xử lý vi phạm về thuế và bị áp quyết định hành chính về quản lý thuế tương tự như doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã", VCCI phân tích.
Về số tiền nợ thuế, VCCI cho biết nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp cho rằng ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp, là quá thấp.
Trong đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đi ra nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế mà là vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu để từ đó có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước.
Nếu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên mức 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Cùng đó, theo VCCI, hiện nay để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều các biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản…
"Chúng tôi cho rằng cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân", VCCI góp ý.
VICCI cho rằng ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Với sự phát triển rất nhanh của thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu như hiện nay, biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng trở nên rất hữu hiệu và nên được tập trung triển khai trong thời gian tới.
Khi biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng được thực hiện rốt ráo và mang lại hiệu quả, thì các biện pháp hạn chế quyền khác như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay cấm xuất cảnh chỉ nên được áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng việc áp dụng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết. Tuy nhiên, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì nên khoanh vùng theo từng nhóm đối tượng.
Xét theo Dự thảo Nghị định thì mức 10 triệu đồng đối với cá nhân, và 100 triệu đối với tổ chức, doanh nghiệp đang cào bằng tất cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp.
Nhưng tiềm lực tài chính mỗi nhóm lại khác nhau, ví dụ một doanh nghiệp siêu nhỏ thì mức nợ thuế 100 triệu đồng có thể coi là lớn. Nhưng đối với quy mô doanh nghiệp trăm tỷ, ngàn tỷ thì mức nợ thuế 100 triệu đồng lại quá nhỏ.
Mặt khác, việc xuất cảnh nhiều khi còn phụ thuộc nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp có hợp tác nước ngoài, hoạt động ngành xuất nhập khẩu thì nhu cầu xuất cảnh sẽ cao hơn nên nếu ngưỡng quy định nợ quá thấp, cơ hội phục hồi (nếu đang khó khăn) hoặc phát triển doanh nghiệp cũng vì vậy mà nhỏ đi.
Ngược lại, đối với doanh nghiệp quy mô lớn, nợ thuế nhiều nhưng hoạt động chủ yếu trong nước, không có nhu cầu xuất cảnh thì biện pháp cưỡng chế lại không có tính răn đe. Do đó, nên điều chỉnh theo doanh thu hoặc quy mô của từng nhóm đối tượng bằng tính phân loại.