Dân Việt

NSND Bùi Bài Bình, Nhuệ Giang ký đơn Đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam

Hà Thúy Phương 13/12/2024 16:14 GMT+7
Sáng 13/12, tập thể cán bộ và nhiều Nghệ sĩ Nhân dân đã gửi đơn Đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Tại Đại hội Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam được tổ chức vào sáng 23/12 tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), các nghệ sĩ, cán bộ đã cùng ký vào đơn Đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam tới Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

img

Các nghệ sĩ, cán bộ tại buổi Đại hội Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam vào sáng 13/12. Ảnh: Thúy Phương

Hãng phim truyện Việt Nam, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức bước vào thực hiện cổ phần hóa năm 2017. Những sai phạm, hướng xử lý việc cổ phần hóa Hãng phim đã được nêu rõ trong kết luận số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính Phủ. Trong suốt từ năm 2018 đến nay, Chính Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam nhưng mọi chuyện đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Tháng 4/2023 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định số 129/QĐ- TTCP về việc thành lập tổ kiểm tra nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ngày 3/1/ 2024, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải sớm giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, đến hôm nay (ngày 13/12) chưa có kết luận sau kiểm tra việc thực hiện kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ và việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết. 

Trong đơn Đề nghị tập thể cán bộ Hãng cho biết khi mang vấn đề này thắc mắc với Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch thì được trả lời: "Khi có kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai thực hiện".

Theo nhân viên của Hãng, sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề cổ phần hóa Hãng phim đã mang lại hệ lụy rất lớn đối với các nhân sự tại Hãng: "Suốt từ năm 2018 đến nay, chúng tôi không có việc làm, không có lương. Những quyền lợi tối thiểu như BHXH, BHYT chúng tôi cũng không có, những người đến tuổi về hưu thì được hưởng chế độ thấp.

img
img
img

Các nghệ sĩ ký đơn Đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Anh Vũ

Những trang thiết bị cùng với cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng và hơn 300 bản phim của Hãng bị hỏng do không được bảo quản đúng cách, quan trọng hơn đó là tinh thần và niểm tin của chúng tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Sự chậm trễ này khiến chúng tôi phải hứng chịu những hệ lụy thê thảm và là nạn nhân của việc trì trệ".

Với mong muốn có cách giải quyết tình trạng hiện tại, các cán bộ, nghệ sĩ của Hãng bày tỏ trong đơn Đề nghị: "Chúng tôi thiết nghĩ Hãng phim truyện Việt Nam cần được tồn tại xứng đáng với truyền thống của nó, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Để vực dậy tinh thần và niềm tin của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam chúng tôi kính đề nghị: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đôn đốc kiểm tra để Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận việc thực hiện kết quả thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. 

Qua đó, sớm có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề này để thực hiện tái cơ cấu Hãng phim truyện Việt Nam nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho những nghệ sĩ, những người lao động chân chính luôn một lòng cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa và điện ảnh nước nhà, quan trọng hơn là không để mất đi một thương hiệu điện ảnh Cách mạng với những nhiệm vụ chính trị vô cùng cao cả trong gần 70 năm với bề dày truyền thống được truyền lửa qua nhiều thế hệ".

img

Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình tại số 4 Thụy Khuê vào sáng 13/12. Ảnh: Thúy Phương

Các Nghệ sĩ Nhân dân bức xúc với thực trạng nhiều năm qua của Hãng phim truyện Việt Nam

Chia sẻ nguyện vọng của mình, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình cho biết: "Tôi là một trong những người gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam nhiều năm qua. Tôi về đây công tác từ những năm 70 nhưng còn đó những người gắn bó với hãng từ những năm 50, 60. Nguyện vọng của tôi cũng như nhiều người khác là mong sao tiếp tục được làm phim, được cống hiến để cho ra những tác phẩm điện ảnh về Cách mạng, về đời sống xã hội… Tôi có may mắn về hưu thời điểm Hãng chưa cổ phần nên còn có lương hưu, còn hàng trăm người sau giai đoạn đó lại rơi vào cảnh chật vật, không lương, không BHXH".

Là người gắn bó lâu năm với Hãng phim truyện Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang cũng bày tỏ tâm tư của mình trước hiện trạng bi đát của nơi mình từng công tác.

"Sau nhiều năm, tình hình hiện tại của Hãng vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Chúng tôi mong muốn Hãng phim được hoạt động, có trụ sở đàng hoàng và có chính danh. Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) về luật pháp đã không còn được đứng chính danh, nhưng cũng không trả lại cơ ngơi của Hãng và cũng chưa có động thái gì của Nhà nước để giải quyết triệt để vấn đề này.

Tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu. Những nghệ sĩ không hề có lỗi, tự dưng bị “đẩy ra đường” trong tình trạng không lương, không BHXH. Trong khi các Hãng khác như Hãng Phim truyện I hay Hãng Giải phóng vẫn hoạt động và nhận được tài trợ, nhưng Hãng phim truyện Việt Nam lại bị bỏ rơi. Bên chúng tôi vẫn có những người đủ năng lực và chuyên môn để hoạt động điện ảnh, thậm chí năng lực còn tốt hơn các hãng khác, nhưng không được bên nào quan tâm cả. Như tôi cũng đã đến tuổi về hưu, nhưng chưa bao giờ ngừng làm nghệ thuật. 

Nghệ sĩ thì không có tuổi về hưu, miễn là vẫn có thể làm việc được nhưng không có cơ hội được cống hiến cho Hãng phim của mình. Nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam phải đi lang thang bươn chải mọi nơi, nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc này".