Dân Việt

6 năm xã hội hóa sách giáo khoa: 2.656 tác giả tham gia; môn học nhiều nhất có 10 cuốn

Hưng Anh 13/12/2024 15:41 GMT+7
Chặng đường 6 năm thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, có nhiều thay đổi tác động đến phụ huynh và học sinh trong cả nước. Môn học có ít nhất 1 cuốn SGK, có môn nhiều nhất là 10 cuốn để đáp ứng nhu cầu học đa dạng.

Biên soạn sách giáo khoa với "q uy trình nghiêm ngặt nhất"

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) Thái Văn Tài cho biết đây là lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản. Tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa.

img

Công tác biên soạn thu hút tổng số 2.656 tác giả, gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông. Đồng thời các tác giả ở những vùng miền khác nhau được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục và sát với thực tế giảng dạy của từng địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.

Môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.

Đại diện phía Bộ GD&ĐT cũng cho biết đây là lần đầu tiên huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đông đảo với khoảng 1404 thành viên, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Quá trình lựa chọn sách giáo khoa giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.

Đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành sách giáo khoa. Sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đơn vị xuất bản: Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, cả ngành Giáo dục từ trung ương tới địa phương đã rất nỗ lực tham gia vào công tác này. “Đại diện cho Nhà xuất bản Đại học sư phạm và với tư cách cá nhân, tôi có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là vô cùng đúng đắn, và cần phải tiếp tục thực hiện chủ trương này vì nó đã đi vào thực tiễn, khẳng định sự thiết thực và hiệu quả”, ông Nguyễn Bá Cường chia sẻ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ tác giả, cũng như công tác thẩm định chặt chẽ trong biên soạn sách giáo khoa, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã huy động gần 1000 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa với những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, các giảng viên đại học, nhà khoa học, giáo viên.

img

Sau 6 năm thực hiện xã hội hóa SGK có nhiều thay đổi

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành 2 bộ sách, với 485 đầu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Khẳng định ưu thế nổi bật của việc thực hiện một chương trình có nhiều sách giáo khoa là tạo ra nhiều hướng tiếp cận các nội dung giảng dạy cho giáo viên và học sinh, tạo điều kiện để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định Bùi Văn Khiết cho rằng, giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với quá trình và điều kiện giảng dạy, học tập.

Cũng theo ông Bùi Văn Khiết, giá của các bộ sách có sự cạnh tranh đã đảm bảo lợi ích tối ưu cho học sinh; không còn sự độc quyền trong phát hành sách giáo hoa, từ đó chất lượng các bộ sách được nâng cao và hoàn thiện.

Quan trọng hơn, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên, lãnh đạo quản lý giáo dục thay đổi tư duy, cách nghĩ và hiểu đúng “chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy, chỉ có tính hướng dẫn” từ đó chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trao đổi về công tác phát hành sách giáo khoa ở một địa phương khó khăn về điều kiện kinh tế, điều kiện đi lại như Hà Giang, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho hay, Sở GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn các trường trong lựa chọn sách giáo khoa, phối hợp tốt với các nhà cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cha mẹ học sinh.

Với nhiều gia đình học sinh phải chờ chế độ hỗ trợ, chưa chủ động trong đăng ký sách giáo khoa, Sở GD&ĐT sẽ cùng nhà trường bảo lãnh đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Đồng thời, vận động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân quyên góp sách giáo khoa cho những khu vực đặc biệt khó khăn.