Dân Việt

Ninh Thuận: Làm cao tốc Cam Lâm–Vĩnh Hảo, không có đường gom dân sinh, nông dân kêu cứu

Đức Cường 13/12/2024 18:21 GMT+7
Sau khi cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo thông xe, nhiều nông dân sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) rơi vào cảnh “bí đường” vận chuyển nông sản. Họ phải đi đường vòng gần 10km hoặc lội bộ qua đường cao tốc để vào rẫy.

Nông dân "bí đường" vào rẫy ở Ninh Thuận

Gần 1 năm nay, hàng chục nông dân sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) bức xúc vì không có lối đi vào rẫy sau khi cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi vào hoạt động.

Các hộ này đã gửi đơn "cầu cứu" đến các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 1.

Nhiều nông dân phản ánh việc không có đường gom dân sinh ảnh hưởng việc đi lại. Ảnh: Đức Cường

Bức xúc phản ánh với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mâu ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) cho biết, gia đình ông có 8ha đất sản xuất nông nghiệp ở thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung (huyện Bác Ái) từ trước năm 2000 đến nay.

Theo ông Mâu, trước đây khu vực này có lối đi chung nên việc sản xuất và vận chuyển nông sản của nông dân rất dễ dàng. 

Tuy nhiên, từ khi cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoạt động đã cắt ngang lối đi này khiến tuyến đường đi vào ngõ cụt.

"Cao tốc cắt đôi diện tích đất sản xuất của gia đình nhưng không làm đường gom nên việc đi lại rất khó khăn. Có lúc tôi phải băng qua cao tốc để vào ruộng chăm sóc lúa vì không có đường đi…", ông Mâu nói.

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mâu là nông dân sản xuất lâu năm ở khúc vực này bức xúc vì không bố trí đường gom. Ảnh: Đức Cường

Nông dân Hứa Móc sản xuất 8ha lúa ở khu vực này cho biết, trước đây có lối đi chung nên từ rẫy về đến nhà chưa đến 4km. Hiện nay, để vận chuyển nông sản và vật tư nông nghiệp người dân phải đi đường vòng lên tỉnh lộ 705 rồi về làng Phước Nhơn dài gấp 3 – 4 lần so với trước đây, chi phí bị đội lên cao.

"Mặc dù có bố trí hầm chui nhưng ko có đường gom dân sinh nên nông dân phải tự tìm đường, mùa nắng đã cực nhưng đến mùa mưa thì lầy lội không thể đi được…", ông Móc cho hay.

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 3.

Nông dân Phạm Minh Quốc (áo đen) phản ánh với PV Dân Việt. Ảnh: Đức Cường

Cách đó không xa, nông dân Phạm Minh Quốc cho biết, khu vực này trước đây vốn bằng phẳng nên không xảy ra ngập nước. Hiện nay, chủ đầu từ cao tốc có bố trí hầm chui nhưng lại không có đường gom, sau vài trận mưa thì hầm chui đã thành khe suối nên nông dân đi lại rất chật vật.

"Trước và sau khu vực này đều đã bố trí đường gom dân sinh nhưng không hiểu sao chỉ còn khoảng hơn 3km ơ giữa lại không làm. Người dân gửi đơn rồi trông chờ giải quyết cả năm nay nhưng vẫn biệt vô âm tính…", ông Quốc cho hay.

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 4.

khu vực này có hầm chui nhưng không có đường dân gom dẫn vào. Ảnh: Đức Cường

Người dân hiến đất chờ làm đường tạm

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, vừa qua đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường và UBND xã Phước Trung kiểm tra rà soát thực tế tại khu vực này và có văn bản gửi Ban quản lý dự án 85 ( Bộ GTVT) về vấn đề này.

Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sau khi cắt ngang qua các tuyền đường dân sinh hiện hữu ở địa phương, dự án sẽ bố trí các đường gom dân sinh để người dân thuận tiện đi lại.

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 5.

Cả 2 bên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua khu vực này đều không có đường gom dân sinh. Ảnh: Đức Cường

Tuy nhiện thực tế đoạn qua xã Phước Trung tại các vị trí Km78+880, Km81+100 đã có bố trí các hâm chui dân sinh kết nối với đường dân sinh cũ và mới với các Lý trình Km78+880, Km81+100. Đồng thời tại Km79+952 đã bố trí cống thoát nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con đi lại sản xuất và vận chuyển hàng hóa, cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực này, UBND huyện Bác Ái đã đề nghị Ban quản lý dự án 85 thực hiện theo phương án đầu tư kéo dài sân cống, gia cố nền đường phạm vi sát sân cống cho bà con đi lại được thuận lợi (thượng hạ lưu cống có Lý trình Km79+952).

Ngoài ra, UBND huyện cũng vận động các hộ dân cũng sẵn sàng hiến đất để Ban quản lý dự án 85 thực hiện phương án trên .

Nông dân “bí đường” vào ruộng vì cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường gom dân sinh - Ảnh 6.

Nhiều hộ để trống đất, sẵn sàng hiến để làm đường đi chung. Ảnh: Đức Cường

Ông Bùi Trọng Lai, phụ trách điều hành dự án 3, Ban quản lý dự án 85 cho biết, để thi công các tuyến đường gom dân sinh dọc cao tốc thì phải có đề xuất ngay từ đầu. Trong trường hợp này, đơn vị chưa nhận được đề xuất làm đường gom dân sinh nên không thể triển khai thi cộng được.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thi công thực hiện phương án đầu tư kéo dài sân cống, gia cố nền đường phạm vi sát sân cống cho bà con đi lại được thuận lợi hơn như đề xuất của UBND huyện…", ông lai nói.

Cũng theo ông Lai, xét thấy nhu cầu cấp thiết của các hộ dân, nếu trong quá trình thi công các hộ dân có nhu cầu hiến đất thì đơn vị sẽ hỗ trợ máy móc san ủi mặt bằng để làm đường tạm phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản.