Dân Việt

Nông sản Cao Bằng vươn xa nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm

Chiến Hoàng 14/12/2024 12:21 GMT+7
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm đã giúp cho nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh Cao Bằng đi được xa hơn. Không những vậy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm còn góp phần làm nên sự thay đổi tư duy của nhiều hội viên, nông dân tại Cao Bằng.

Mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ, không ngừng sáng tạo

Những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, nhiều cơ sở sản xuất đã tiết kiệm được sức lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Hoàn (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) giới thiệu nhà băng trứng tằm ương giống tằm con, giải pháp được giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 8 (năm 2022-2023), Ảnh: Chiến Hoàng

Là người từng đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 8 (năm 2022-2023) với Giải pháp ứng dụng kỹ thuật nghiên cứu xây dựng nhà băng trứng tằm, ương giống tằm con và thiết kế nhà dụng cụ nuôi tằm lấy kén, anh Nông Văn Hoàn (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc) cho biết, việc sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX Nông nghiệp 118 của anh.

"Để khắc phục những hạn chế trong việc vận chuyển con giống từ nước bạn Trung Quốc, tôi đã đã thiết kế dụng cụ nuôi tằm lấy kén, xây dựng nhà băng trứng tằm để ương giống tằm còn trong phòng lạnh. Nghiên cứu sáng chế ra dụng cụ né vuông để lấy kén tằm.

Không chỉ vậy, HTX chúng tôi còn bỏ ra số tiền lớn để đầu tư các kho lạnh bảo quản kén tằm, mỗi kho lạnh có giá gần tỷ đồng. Tuy đầu tư lớn nhưng việc bảo quản kén tằm bằng kho lạnh đợi các công ty, đơn vị đến nhập hàng của HTX giúp cho lượng kén tằm đã thu mua của HTX không bị hao hụt vì thối, mốc. Hiện nay kho lạnh của HTX Nông nghiệp 118 chúng tôi có thể đảm bảo được sức chứa 6 tấn kén/ ngày", anh Hoàn cho biết thêm.

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 2.

Kho lạnh bảo quản kén tằm của HTX Nông nghiệp 118 của anh Nông Văn Hoàn tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Tại cơ sở sản xuất nấm hương Trúc Mai của gia đình anh Đỗ Văn Viên (thôn Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, Tp. Cao Bằng) việc ứng dụng khoa học công nghệ vào ươm cấy phôi nấm cũng đã được anh Viên đầu tư quy mô với phòng lạnh rộng 400m2.

Theo anh Đỗ Văn Viên, việc đầu tư phòng lạnh để cấy ươm phôi nấm đã giúp cho nấm hương sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó mà cơ sở nấm hương Trúc Mai có nấm tươi xuất bán quanh năm. Nấm hương trái vụ cũng có giá cao hơn chính vụ khoảng 20.000đ mỗi kilogam. Cùng với đó, cơ sở nấm hương Trúc Mai của anh Viên đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị máy móc như máy trộn nguyên liệu làm phôi, máy đóng bầu…

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 3.

Anh Đỗ Văn Viên đang thực hiện việc di chuyển hàng hóa và phôi nấm hương trong nhà lạnh 400m2 dùng để ươm cấy phôi nấm của cơ sở sản xuất nấm hương Trúc Mai tại thôn Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, Tp. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Về sản lượng của cơ sở sản xuất nấm hương Trúc Mai, anh Viên cho biết, hiện trung bình mỗi năm cơ sở của anh cho thu hoạch từ 70-90 tấn nấm hương tươi; nấm hương khô thành phẩm cũng được khoảng 10 tấn. Để có được sản lượng như hiện nay đều nhờ đưa khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa.

"Việc đầu tư cũng khá lớn, khoảng 6 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Cùng với đó, chúng tôi đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện, sản phẩm nấm hương Trúc Mai đã được các công ty thực phẩm đưa vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh", ạm Viên chia sẻ.

Nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất

Việc ứng dụng thiết bị máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá sản phẩm tại Cao Bằng hiện nay đang được rất nhiều hội viên nông dân quan tâm. Nhiều cơ sở làm nghề thủ công giờ cũng đã đưa công nghệ vào một số khâu trong quy trình sản xuất của mình.

Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng (địa chỉ tại tổ 12 phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) của gia đình ông Lâm Thanh Quý là một minh chứng. Từ khi mua sắm máy rang lạc, rang gạo, máy hấp thịt. Năng xuất của xưởng cũng được nâng cao hơn rất nhiều. Hiện nay trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng có thể làm ra được khoảng 5.000 phong bánh khảo.

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 4.

Sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng được ông Lâm Thanh Quý (địa chỉ tại tổ 12 phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) sử dụng thiết bị máy móc hỗ trợ trong quá trình sản xuất giúp nâng cao sản lượng, đảm bảo về chất lượng. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Quý "bật mí", vì là nghề truyền thống nên cơ sở chỉ đầu từ máy móc ở những khâu cần nhiều lao động, còn cán, trộn thì vẫn phải làm thủ công để đảm bảo sự thơm ngon đặc trưng, truyền thống. Chính từ suy nghĩ đó mà sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng của chúng tôi có thể đảm bảo về số lượng và cả chất lượng để cung ứng ra thị trường.

Giống như cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng, Cơ sở sản xuất bún phở khô Liên Đồng tại xã Hưng Đạo, Tp.Cao Bằng cũng đã đưa máy móc vào một số khâu trong quy trình sản xuất, kết hợp với nghiên cứu sáng tạo để làm ra các sản phẩm bún đa sắc từ màu tự nhiên, an toàn và bắt mắt. Việc quảng bá sản phẩm của cơ sở này trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp cho sản phẩm của cơ sở đi được xa hơn.

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 5.

Chị Lý Thị Thảo, Cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng (xã Hưng Đạo, Tp.Cao Bằng) bên các sản phẩm được nghiên cứu tạo màu tự nhiên, bắt mắt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Chiến Hoàng

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm OCOP; đồng thời cũng tạo ra hiệu ứng trong việc ứng dụng KHCN và sản xuất và quảng bá sản phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, những năm gần đây đã có nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào trong hoạt động sản xuất.

Nông sản Cao Bằng vươn được xa hơn nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm - Ảnh 6.

Ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng chia sẻ về việc ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa và quảng bá sản phẩm của các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chiến Hoàng

"Việc ứng dụng KHCN đang đi vào hoạt động sản xuất hàng hóa của các hội viên nông dân. Thời gian vừa qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền và tổ chức các cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức và thu hút được nhiều hội viên, nông dân tham gia. Hội cũng đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức cho các hội viên, nông dân thực hiện ứng dụng KHKT vào sản xuất.

Thông qua các hoạt động của Hội, nhiều hội viên đã nhận thức và thay đổi về phương thức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Các sản phẩm cơ bản đạt chất lượng, nhiều sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Khi hội viên, nông dân có sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị như VNPT, Sở Công Thương… đưa các sản phẩm của hội viên lên các sản thương mại điện tử để quảng bá và chào bán. Các sản phẩm đều được đánh giá cao", ông Cương cho biết thêm

Có thể khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, quảng bá sản phẩm tại Cao Bằng không chỉ làm thay đổi nhận thức của các chủ thể, giúp nâng cao thu nhập, thúc đẩy việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP mà còn góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.