Dân Việt

Hành trình đến Đất Phật của sư Thích Minh Tuệ cần đi qua các quốc gia nào?

Trần Oánh 14/12/2024 22:02 GMT+7
Trên đất Lào, sư Thích Minh Tuệ tiếp tục thực hành 13 hạnh đầu đà, đi bộ, đầu trần chân đất, khất thực, ngày chỉ ăn 1 bữa trước 12 giờ trưa, đêm ngủ ngồi ở nhà hoang hoặc nghĩa địa...

Hành trình đến Đất Phật của sư Thích Minh Tuệ

Ngày 12/12/2024, sư Thích Minh Tuệ cùng 5 tu sĩ khác đã chính thức khởi hành trên hành trình đến Ấn Độ qua cửa khẩu Bờ Y biên giới Việt – Lào. Tháp tùng đoàn tu sĩ có TS. Đoàn Văn Báu, nguyên thượng tá, giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học An ninh Nhân dân đã nghỉ hưu và anh Lê Khả Giáp, 1 người có nhiều kinh nghiệm bộ hành qua các quốc gia, anh đã từng đi bộ qua 13 quốc gia, trong đó có chuyến đi bộ đến Ấn Độ.

Hành trình đến Đất Phật của sư Thích Minh Tuệ cần đi qua các quốc gia nào?- Ảnh 1.

Sư Thích Minh Tuệ cùng các sư tại cửa khẩu Bờ Y, chiều ngày 12/12/2024. 

Như chúng ta đã biết, sư Thích Minh Tuệ tên khai sinh là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Năm 1994, ông cùng gia đình chuyển đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sinh sống và xuất gia tại đây. Chuyến bộ hành sang Đất Phật của sư Minh Tuệ được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, việc được đến nơi Đức Phật sinh ra và tu hành đắc đạo là ước nguyện của hầu hết các tu sĩ Phật Giáo. Chưa kể, hạnh nguyện được thực hành pháp tu 13 hạnh đầu đà của sư Minh Tuệ, sau 6 năm trôi chảy, khi chưa bị dân mạng chú ý, bỗng bị cản trở bởi đám đông cả những người yêu kính sư Thích Minh Tuệ, cả những người hiếu kỳ, cùng rất đông những youtuber và Tiktoker đeo bám, không những làm phiền những người tu hành mà còn gây nên tình trạng mất trật tự trị an. Điều này dẫn đến việc tiếp tục bộ hành khất thực theo hạnh đầu đà của sư trở nên bất khả thi. Khi đó, việc thực hành khất thực ngoài lãnh thổ Việt Nam dường như là giải pháp duy nhất giúp sư Thích Minh Tuệ tiếp tục con đường tu tập theo hạnh nguyện của mình thời gian này.

Để tránh bị cản trở, gây khó dễ bởi những người hiếu kỳ và những Youtuber, Tiktoker, thời điểm xuất hành và lộ trình đoàn bộ hành được giấu kín. Các thông tin, hình ảnh, video của đoàn được anh Lê Khả Giáp công khai sau thời gian thực và thường là không có thông tin cụ thể về địa điểm, tuyến đường của đoàn. Chỉ biết đoàn đã ở trên đất Lào từ đêm 12/12/2024. Bằng 1 cách nào đó, có một số kiều bào ở Lào biết được thông tin đoàn bộ hành đi qua, họ đảnh lễ các sư và cúng dường đồ ăn cho đoàn. Theo thông tin từ anh Lê Khả Giáp, sư Thích  Minh Tuệ tiếp tục thực hành 13 hạnh đầu đà, đi bộ, đầu trần chân đất, khất thực, ngày chỉ ăn 1 bữa trước 12 giờ trưa, đêm ngủ ngồi ở nhà hoang hoặc nghĩa địa.

Hành trình đến Đất Phật của sư Thích Minh Tuệ cần đi qua các quốc gia nào?- Ảnh 2.

Sư Thích Minh Tuệ tại điểm nghỉ đêm đầu tiên trên đất Lào.

Theo lời TS. Đoàn Văn Báu, sư Minh Tuệ có ước nguyện được ẩn tu ở dãy Himalaya. Rất nhiều Phật tử Việt Nam cảm thấy tiếc vì điều này. Họ cho rằng nếu sư Thích Minh Tuệ tu hành ở Việt Nam thì sẽ tốt hơn cho Phật Giáo Việt Nam. Trong 1 quãng thời gian dài, một số tu sĩ Phật Giáo Việt Nam đã có những hành động và phát ngôn gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người cho rằng việc thiếu những động thái điều chỉnh hành vi chưa đúng chuẩn mực này là nguyên nhân gây nên tình trạng này kéo dài. Hẳn rất nhiều các nhà sư đang thực hành tu tập theo lời dạy của Đức Thích ca Mâu ni dù không nói ra nhưng thấy và không đồng tình với những hành động và phát ngôn của 1 số ít nhà sư đó.

Chính sự xuất hiện của sư Thích Minh Tuệ, bằng phẩm hạnh của mình, bằng việc thực hành pháp tu 13 hạnh đầu đà, đã tác động tích cực đến cách nhìn, cách hiểu về Phật Giáo của rất nhiều quần chúng nhân dân, ít nhiều làm thay đổi hình ảnh Phật Giáo Việt Nam. Rõ ràng, từ khi sư Thích Minh Tuệ xuất hiện, hiện tượng kêu gọi cúng dường, tùy tiện diễn giải thuyết nhân quả cho chúng sinh của một số thầy tu đã giảm hẳn.

Không chỉ riêng bà con Phật tử, rất nhiều người quan tâm tới chuyến đi này của sư Thích Minh Tuệ, họ lo lắng cho sự an toàn cũng như những khó khăn mà đoàn bộ hành có thể gặp phải. Thực tế, rủi ro cũng như những khó khăn trên đường là không tránh khỏi. Nhưng trong những ngày đầu tiên của lộ trình, dường như đoàn đã có những thuận lợi nhất định. Đầu tiên, đó là cung đường trên đất bạn Lào ít phức tạp, người dân Lào đôn hậu, hiền lành. Phật giáo là tôn giáo chính ở Lào với hơn 66% dân số tham gia thực hành tu tập. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như kinh nghiệm bộ hành và khả năng ứng biến của 2 "hộ pháp" là TS. Đoàn Văn Báu và anh Lê Khả Giáp, hy vọng những dặm đường trên đất bạn Lào sẽ ít gian truân, nhiều thuận lợi. Được biết, sau khi đi bộ qua nước bạn Lào, đoàn của sư Thích Minh Tuệ sẽ tiến vào Myanmar, rồi qua Ấn Độ, tiếp đến là 2 quốc gia Nepal và Bhutan ...