Dân Việt

Phát triển du lịch nông nghiệp: "Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, lan tỏa và quảng bá tới khách nước ngoài"

Huy Hoàng - Kiều Anh 15/12/2024 16:19 GMT+7
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Bộ VHTTDL mong muốn thiết lập, thông qua con đường du lịch, khách du lịch nội địa là kênh tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương và lan tỏa, quảng bá sản phẩm tới du khách nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, phát triển du lịch nông nghiệp đang trở thành loại hình du lịch ưu tiên của ngành du lịch, trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, trên tinh thần đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với các Sở quản lý du lịch địa phương tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch "Hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác các vùng dược liệu của Việt Nam và xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch nông thôn gắn với tăng trưởng xanh".

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 1.

Đoàn farmtrip chụp ảnh lưu niệm tại cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: H.H)

Phát triển du lịch nông nghiệp: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, lan tỏa và quảng bá tới khách nước ngoài

Từ ngày 10/12-15/12, một đoàn farmtrip có sự tham gia của 60 doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí truyền thông đã đi khảo sát tại ba tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai.

Trong ngày đầu tiên, mặc dù thời tiết mưa, nhưng đoàn khảo sát vẫn rất hào hứng vào rừng để được tham quan vườn sâm Tak Ngo ở độ cao 1.560m so với mực nước biển. Vườn sâm này thuộc huyện Nam Trà My, là vườn sâm gốc của tỉnh Quảng Nam, nơi những cây sâm Ngọc Linh được nghiên cứu, ươm mầm trồng đầu tiên.

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc doanh nghiệp Vietnam Insolite Voyage, đào một gốc sâm có tuổi đời 7 năm. (Ảnh: H.H)

Theo ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh là một trong những cây sâm có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất Việt Nam và thuộc top những cây sâm quý trên thế giới, chính vì vậy huyện mong muốn xây dựng một số địa điểm mới để thu hút khách du lịch đến với Nam Trà My như tham quan vườn sâm, trải nghiệm làng du lịch cộng đồng, suối khoáng nóng.

"Điểm nhấn trong tour hành trình về với Nam Trà My chính là tìm hiểu về cây sâm Ngọc Linh, du khách được trải nghiệm trực tiếp, tận mắt chứng kiến các công đoạn phát triển của cây sâm, nhận biết được sâm giả, sâm thật và tham quan trưng bày các sản phẩm từ sâm...", ông Nguyễn Thế Phước cho biết.

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp lữ hành chụp ảnh lưu niệm tại Khu vực vườn sâm gốc, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: H.H)

Cũng nằm trong chuyến đi khảo sát này, đoàn farmtrip có mặt tại tỉnh Gia Lai, tìm hiểu những địa điểm nhà máy dược liệu như cụm nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh hay Hợp tác Nông nghiệp thương mai và dịch vụ Tơ Tung, huyện KBang, sản xuất tinh dầu xả, tinh dầu bưởi…

Chia sẻ với Dân Việt, đại diện tập đoàn Trường Sinh cho biết, đơn vị này không chỉ tập trung sản xuất thành phẩm mà còn đón rất nhiều đoàn khách đối tác đến tham quan, mong muốn tới đây liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các nhà vườn dược liệu để xây dựng tour 3N2Đ, tham quan, trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh, sau đó quay trở lại chứng kiến quy trình sản xuất thành phẩm, để khách hàng có thể trực tiếp tìm hiểu về dược liệu, thành phẩm và quan trọng hơn, đây sẽ là điểm đến du lịch nổi tiếng về dược liệu của tỉnh Gia Lai.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay: "Năm nay Cục du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi cho các doanh nghiệp lữ hành với nhiều đổi mới hơn so với các năm trước. Cụ thể, chúng tôi thay đổi, thực hiện theo các chuyên đề đi một địa phương hoặc nhiều địa phương với mạch sản phẩm rõ nét hơn để cung cấp các tour cho các dòng khách chuyên biệt hơn.

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 4.

Ông Trần Tấn Điền, doanh nghiệp DATI Travel, chụp ảnh với rổ sâm Ngọc Linh tại phòng trưng bày sâm Ngọc Linh, Hàng dược liệu - Nông sản Quảng Nam. Ảnh H.H

Điều này tạo cho các doanh nghiệp dễ xây dựng, hoàn chỉnh sản phẩm tour của họ theo hướng trọng tâm, cùng phối hợp mang tính chất liên ngành. Du lịch cùng phối hợp với liên ngành khác để có thể hoàn chỉnh sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường sau đại dịch Covid-19.

Chuyến đi lần này chúng tôi bắt đầu từ vùng nguyên liệu, làm dược liệu, xác định chính, giá trị nổi bật trên toàn quốc đó chính là cây sâm Ngọc Linh. Chúng tôi đi xuyên từ Quảng Nam sang Kon Tum đến Gia Lai, đây là vùng trồng sản phẩm và tiêu thụ sâm Ngọc Linh.

Chuyến đi khảo sát nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành được trực tiếp trải nghiệm, tham quan, để liên kết với các địa phương, điểm đến xây dựng sản phẩm tour mới.

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 5.

Ông Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (đứng ngoài cùng bên trái) tham quan tại Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, thuộc huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: H.H)

Dưới góc độ du lịch, chúng tôi thấy rằng sâm Ngọc Linh là nguồn nguyên liệu có thể tạo sản phẩm hút khách du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay mọi người quan tâm tới sức khỏe. Ngoài câu chuyện chuyển đổi sinh kế cho người dân địa phương thì đây là hướng chúng tôi mong muốn thiết lập, thông qua con đường du lịch, khách du lịch nội địa cũng là kênh tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương và lan tỏa, quảng bá sản phẩm tới du khách nước ngoài.

Tuy nhiên vùng nguyên liệu này còn đang là địa điểm mới, các dịch vụ chưa được hoàn chỉnh, thậm chí giao thông còn khá khó khăn. Vì thế mà sau chuyến đi của Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ làm việc với các địa phương, làm thế nào để thuận lợi nhất cho khách du lịch và các điểm đến".

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 6.

Du khách check in tại nhà sàn của đồng bào Bana thuộc làng du lịch cộng đồng Hoàng Ánh, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: H.H)

Phát triển du lịch nông thôn: Khách nội là kênh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá tới khách nước ngoài- Ảnh 7.

Đoàn farmtrip thưởng thức đặc sản tại làng du lịch cộng đồng Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.(Ảnh: H.H)

Cũng trong chuyến đi khảo sát các địa điểm về dược liệu, tạo sự gắn kết phát triển du lịch, đoàn farmtrip còn tham quan, trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng tại tỉnh Kon Tum, Gia Lai như: Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, làng du lịch cộng đồng Kon Chênh, làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi…