Dân Việt

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

Ninh Thị THơ 15/12/2024 20:30 GMT+7
Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.
img

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Với một số nhiếp ảnh gia, đây chính là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng và tiếp sau họ, dịch vụ tiêu hủy ảnh cưới cũ cũng thu hút hàng nghìn cặp đôi.

Bình thường hóa ly hôn

Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở đây đang giảm mạnh, từ 13 triệu đôi vào năm 2013 xuống còn dưới 7 triệu đôi vào năm 2022. Ngược lại, số vụ ly hôn lại tăng vọt, vào năm 2019 đã đến mức cao kỷ lục là 4,7 triệu cặp, gấp 4 lần so với 20 năm trước.

Điều này khiến chính phủ phải vào cuộc, cố gắng đảo ngược bằng luật mới là áp dụng thời gian tạm hoãn dài 30 ngày. Họ hy vọng một tháng này sẽ giúp các cặp đôi cân nhắc lại và rút đơn li dị.

Kết quả, tỷ lệ ly hôn đã tạm thời chững lại nhưng chỉ được trong năm 2022. Sang năm 2023, nó gia tăng 25%.

Nhiếp ảnh gia trẻ Tan Mengmeng (28 tuổi) sống ở Hà Nam sớm nhận thấy, nếu chỉ dựa vào chụp ảnh cưới làm sinh kế thì sẽ sớm phải đóng cửa tiệm. Cô mạnh dạn ra mắt dịch vụ mới: Chụp ảnh ly hôn. “Tôi đã chứng kiến cảnh nhiều cặp vợ chồng xếp hàng dài bên ngoài văn phòng cơ quan chức năng liên quan để chờ đến lượt xử lý thủ tục ly hôn. Tôi cảm thấy ngay cả khoảnh khắc đau đớn, mệt mỏi này cũng đáng được ghi lại”, cô Mengmeng giải thích.

Kể từ năm 2023 đến nay, Mengmeng đã chụp ảnh ly hôn cho khoảng 30 cặp đôi. “Đây là công việc kinh doanh tốt vì nghĩ cho cùng, nỗi buồn cũng đáng được lưu giữ như niềm vui”, cô kết luận.

Xã hội Trung Quốc từng rất kỳ thị vấn đề ly hôn. Với phương châm lấy tề gia làm đầu, họ cho rằng ly hôn là thất bại của tề gia và vì thế, người ly hôn không đáng được nể trọng. Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc thì ngược lại. Họ đề cao tình cảm chân thành giữa đôi bên và xem ly hôn chỉ là chuyện thường tình khi cả hai đã không còn cảm xúc yêu thương hoặc sống chung bất tiện.

“Trong nhiều trường hợp, người ly hôn không đau buồn mà cực kỳ vui vẻ, thậm chí mở tiệc ăn mừng và thoải mái chúc nhau may mắn với duyên sau”, cô Mengmeng cho biết.

Giờ đây, nếu lên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ảnh ly hôn. Các cặp đôi đang và đã ly hôn vô tư chia sẻ hình ảnh chụp họ ký giấy tờ li dị, tạo dáng với giấy chứng nhận ly hôn… Không chỉ riêng cô

Mengmeng mà khá nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng kiếm được nguồn khách hàng mới này và nhờ đó gia tăng thu nhập.

“Ngày nay, cố kiết duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì thể diện hoặc nghĩa vụ không còn là điều được theo đuổi nữa”, nghiên cứu viên người Trung Quốc, Peng Xiujian của Đại học Victoria (Australia) nhận thấy.

Với chuyên ngành là nghiên cứu xu hướng nhân khẩu học ở Trung Quốc, bà Xiujian đã dành nhiều năm để quan sát và nhận ra người Trung Quốc đã thay đổi thái độ hoàn toàn trước ly hôn. Chí ít thì với những cặp đôi chọn ly hôn, họ không còn bị ràng buộc bởi quan niệm lấy tề gia làm đầu nữa.

“Ly hôn không còn là chuyện đáng xấu hổ”, cô Mengmeng chỉ ra. Trong các khách hàng của cô, có một cặp đôi ly hôn nhưng vẫn còn tình cảm và muốn kỷ niệm mối quan hệ đã qua bằng bộ ảnh đặc biệt. Họ chọn nhà hàng mà mình đã đến vào cuộc hẹn hò đầu tiên để làm nơi chụp ảnh ly hôn, gọi một vài món ăn và ngồi đối diện nhau bất động rất lâu. Cuối buổi chụp ảnh, cả hai đều khóc.

Có rất nhiều lý do để giới trẻ Trung Quốc ly hôn ngoài “hết tình cạn nghĩa” như áp lực công việc, chi phí sinh hoạt cao, thói quen sống không hòa hợp… Tuy nhiên, không phải cặp đôi ly hôn nào cũng đồng lòng muốn chụp ảnh ly hôn. Có một cặp đôi khách hàng của cô Mengmeng chỉ có người vợ muốn chụp ảnh còn người chồng thì không. Chuyện này khiến buổi chụp ảnh trở nên khá bất tiện.

Cũng theo cô Mengmeng, phần lớn khách yêu cầu chụp ảnh ly hôn là phụ nữ.

img

Chụp ảnh ly hôn đang là trào lưu 'hot' ở Trung Quốc. Ảnh: Edition.cnn.com

Tiêu hủy ảnh cưới cũ

Bên cạnh chụp ảnh ly hôn, Trung Quốc còn có thêm dịch vụ mới toanh nữa là tiêu hủy kỷ vật cũ. Khách hàng của nó là những cặp đôi muốn xóa sổ sạch sẽ những gì ghi dấu ấn cuộc sống chung của họ. Cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 96km là “nhà máy ly hôn” của Liu Wei. Nó được anh Wei mở từ năm 2021, chuyên tiêu hủy ảnh cưới.

img

Nhà máy ly hôn nhận tiêu hủy ảnh cưới cũ và ghi hình toàn bộ quá trình.

Công cụ chính của nhà máy ly hôn là sơn và máy nghiền. Khi ảnh cưới cũ được đưa đến đây, anh Wei sẽ cho phun sơn trước rồi mới đưa vào máy nghiền, nghiền vụn. Chi phí tiêu hủy ảnh cưới cũ từ 8 – 28 USD/cặp. Tính đến nay, anh Wei đã tiếp khoảng 2.500 cặp khách hàng. Họ là những người muốn khép lại quá khứ một cách triệt để và luôn yêu cầu ghi hình toàn bộ quá trình tiêu hủy ảnh cưới cũ.

Tất nhiên là có ly hôn thì cũng có tái hôn. “Nếu cặp đôi đã thuê tôi chụp ảnh ly hôn lại thuê tôi chụp ảnh tái hôn, tôi sẽ giảm giá 18%”, cô Mengmeng hứa hẹn. Nhà kinh tế học người Pháp, Gary dự đoán sẽ ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế hơn xoay quanh thị trường ly hôn của Trung Quốc.

Theo CNN