Trăn trở việc gìn giữ con đường lát đá xanh gần 100 tuổi tại làng Phù Lưu. Media: Phạm Thứ.
Chúng tôi tới thăm Phù Lưu vào một ngày đông cuối năm Giáp Thìn. Bước qua cánh cổng làng, thong thả tiến vào theo con đường lát đá xanh đã gần trăm tuổi, ai cũng cảm nhận rất rõ sự thanh bình của một ngôi làng trong lòng phố thị.
Càng tiến sâu theo con đường lát đá xanh ấy, chúng tôi càng cảm thấy rõ cái hài hòa giữa sự trầm mặc, cổ kính bên cạnh sự tấp nập bán mua của những hàng quán khắp nơi. Có cảm giác rằng, nơi đây vừa có sự dư dả vật chất và cũng rất giàu sang về đời sống tinh thần.
Đứng bên đình làng niên đại hơn 400 năm tuổi, ông Hoàng Văn Bình (69 tuổi, Trưởng họ của dòng họ Hoàng - một dòng họ lớn có nhiều ưu tú tại Phù Lưu) chia sẻ, Phù Lưu là một ngôi làng cổ nổi tiếng của cả vùng Kinh Bắc. Nay làng đã thành phố, nhưng con đường lát đá xanh mà cụ Tổng đốc Hoàng Thụy Chi, người làng làm năm 1933 vẫn giữ được. Những phiến đá xanh, vuông vắn, kích thước 50×50cm vẫn trơ bóng với thời gian.
Ông Bình từ từ giới thiệu cho chúng tôi về làng Phù Lưu giàu truyền thống văn hóa, vốn là nguyên mẫu ngôi làng trong tác phẩm văn học "Làng" của nhà văn Kim Lân (Phù Lưu cũng chính là quê hương ông). Con đường lát đá xanh đó cũng chính là con đường mà nhân vật ông Hai trong truyện vẫn thường khoe: "...Ông khoe cái làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...".
Con đường đá xanh láng mịn, trải dài quanh co khắp làng Phù Lưu đã in sâu vào trong tiềm thức của những người con nơi đây. Ảnh: Gia Khiêm - Phạm Thứ.
Dẫn chúng tôi tản bộ trên những viên đá xanh phẳng mịn, ông Bình bắt đầu giới thiệu cho về con đường độc đáo "có một không hai" mà chỉ tại Phù Lưu mới có. Năm 1920, cụ Hoàng Thụy Chi (người thời đó quen gọi là Cụ Tuần Chi, cụ là Tuần phủ Bắc Giang sau thăng lên Tổng đốc và làm việc tại Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) đã kéo được dự án về cho Phù Lưu để xây dựng đường làng. Đó cũng là một trong bốn công lao của của Tuần Chi với làng: xây gác chuông chùa, sửa đình, làm đường và mở trường học.
Năm 1933, sau hơn 10 năm, con đường lát đá xanh trải dài quanh co trong làng hơn 3000m được hoàn thành. Ngày nay, tổng chiều dài con đường còn lại khoảng 1700m.
Con đường chính (trước đây gọi là đường cái quan) được lát 4 hàng đá. Mỗi viên đá có độ dày so với mặt đường khoảng 20cm. Hai bên đường được lát gạch đỏ, trong đó một hàng xếp ngang và hai hàng còn lại xếp nghiêng theo kiểu xương cá. Con đường được xây dựng theo địa hình tự nhiên của mặt đất; tùy nơi trũng-cao mà đặt đá thấp hay cao. Phần lòng đường hơi nhô để chịu lực và thoải dần về hai bên. Khi trời mưa, nước tự rút mà không cần hệ thống tiêu thoát.
Ngoài đường cái quan, các lối ngõ nhỏ cũng được lát 2 hàng đá. Những con đường lát đá này đều là dạng đường thoát. Các con đường chỉ lát gạch đỏ là đường cụt. Ông Bình bảo với chúng tôi cứ thong thả đường đá mà đi nhất định sẽ dẫn ra đường lớn, không lo bị lạc.
Ông Bình chia sẻ thêm, thời ấy, đá xanh được chuyển về từ Đông Triều, Quảng Ninh. Chi phí mua và lát một viên đá xanh rơi vào khoảng 5 hào, tương đương 30kg gạo.
Tiếp lời ông Bình, bà Nguyễn Thị Ngọ (83 tuổi, người làng Phù Lưu) tếu táo kể lại rằng, xưa kia, mỗi khi trai làng khác tới Phù Lưu cưới vợ hoặc vợ làng cưới trai khác làng phải góp 5 viên đá xanh. Còn nếu trai gái làng lấy nhau thì không phải đóng góp.
Dọc đường tản bộ theo con đường lát đá xanh và bắt chuyện với nhiều người già trẻ quanh làng, dù biết ít hay nhiều về con đường, chúng tôi vẫn nhận được những câu trả lời cho thấy, con đường này đã in sâu vào trong tiềm thức bao thế hệ người Phù Lưu.
Ông Nguyễn Hữu Lộc (82 tuổi) cũng là một người làng Phù Lưu cũng là một người con lớn lên tại Phù Lưu nhưng có nhiều năm xa quê và nay lại trở về quê hương an dưỡng tuổi già.
Ông Nguyễn Hữu Lộc (ảnh 1), Nguyễn Thị Ngọ (ảnh 2) và một số người cao tuổi trong làng - những thế hệ đã có cả một đời sinh sống, hằng ngày đi lại trên con đường lát đá xanh làng Phù Lưu. Ảnh: Gia Khiêm - Phạm Thứ.
Ông bộc bạch: "Con đường làng được lát bằng những phiến đá xanh đã tồn tại qua bao năm tháng và khắc sâu trong ký ức của mỗi người con Phù Lưu. Dù có xa quê bao lâu, ký ức về con đường ấy vẫn không phai mờ. Chính con đường này đã tạo nên nét đặc trưng, hồn cốt riêng biệt cho một Phù Lưu Chợ Giầu, không thể trộn lẫn với bất kỳ ngôi làng Việt cổ nào khác".
Con đường lát đá xanh "trơ gan cùng tuế nguyệt" đã gần 100 năm. Tuy chưa đủ thời gian để được công nhận là di sản nhưng chính vì những giá trị văn hóa lâu đời, việc bảo vệ con đường vô cùng cần thiết, luôn khiến người dân nơi đây phải trăn trở.
Theo ông Hoàng Văn Bình, từ năm 1949 đến 1954, làng Phù Lưu bị quân Pháp chiếm đóng. Xe cơ giới, xe quân sự của địch đi lại nhiều, làm con đường hư hỏng đáng kể.
Năm 2007, dân làng Phù Lưu họp bàn về việc tổng trùng tu, nâng cấp con đường đá xanh của làng. Khi ấy, cũng có những ý kiến cho rằng đường làng nên bê tông hóa cho phù hợp thời hiện đại. Bởi những ngày mưa, con đường rất trơn trượt và thực tế cũng đã có những người đã bị trượt ngã khi qua con đường này. Tuy nhiên, những ý kiến đó bị đa số người dân kịch liệt phản đối.
Cận cảnh một số đoạn đường đã bị lún, xuống cấp; một số viên đá xanh bị nứt vỡ nghiêm trọng. Ảnh: Gia Khiêm - Phạm Thứ.
Người làng Phù Lưu mong muốn bảo tồn con đường ở mức tối đa có thể, kiên quyết không bê tông hóa. Ông Bình cho biết, trước đây, đã có giai đoạn chính quyền địa phương ngăn cấm không cho xe có trọng tải lớn đi vào con đường lát đá xanh. Nhưng hiện nay, quyết định ấy không còn nữa, tất cả các phương tiện dù trọng tải lớn nhỏ vẫn lưu thông trên mặt đường này. Nhiều đoạn đường hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Có những đoạn đường chính đã bị lún, có hiện tượng chỗ cao, chỗ thấp. Nhiều viên đá từ láng mịn bị nứt, vỡ bề mặt.
"Con đường đá xanh này gắn bó và có rất nhiều kỷ niệm với tất cả người làng Phù Lưu chúng tôi từ bao thế hệ nay. Tôi cũng đã đi rất nhiều nơi, càng làng khác nhưng chưa thấy ở đâu có được con đường đá đẹp và mang nhiều giá trị như quê hương chúng tôi. Nhưng theo chúng tôi quan sát, với mật độ xe trọng tải lớn di chuyển vào con đường đá này, chúng tôi lo ngại con đường sẽ không chịu nổi. Chúng tôi rất sốt ruột và cũng đề nghị rằng lãnh đạo các ban ngành có những tác động cụ thể để bảo vệ con đường. Bởi nếu để con đường bị bào mòn hằng ngày sẽ lãng phí di sản mà cha ông chúng tôi đã để lại", ông Bình bộc bạch.
Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND TP. Từ Sơn cho biết, thành phố có chủ trương cụ thể để bảo tồn những giá trị văn hoá này trong đó có con đường đá xanh gần 100 năm tuổi ở làng Phù Lưu.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ, con đường đá xanh ở Phù Lưu đã gắn bó với kỷ niệm bao thế hệ dân làng, tạo ra những nét văn hoá, suy nghĩ riêng của các thế hệ dân làng đối với đường làng cũng như các khía cạnh văn hoá liên quan đến con đường làng đó. Vì vậy mọi người nên cố gắng giữ gìn.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng trước hết ngành văn hoá, dân làng, chính quyền địa phương có ý kiến lên các cấp ban ngành. Nếu con đường này để ô tô tải đi lại nhiều quá bị ảnh hưởng phải có biện pháp hạn chế những loại xe trọng tải lớn đi vào, nên giữ gìn để giữ lại một kỷ niệm, một di sản trong tương lai gần", ông Đính nhấn mạnh.