Dân Việt

Vị vua nhà Mạc dâm loạn, trốn vào chùa vẫn mang theo 2 kỹ nữ

D.V 15/12/2024 23:30 GMT+7
Mạc Mậu Hợp khi vào chùa mà còn mang theo hai kỹ nữ thì quả là đáng sợ. Thế mới biết rằng với Mạc Mậu Hợp thì đến chết nhưng cái nết vẫn không chừa, dám làm ô uế nhà chùa thì làm sao Phật cứu độ cho được?

Theo sách "Đại Việt thông sử", Mạc Phúc Nguyên chết vì bệnh đậu mùa. Khi đó, con trai duy nhất là Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi đã được Khiêm vương Mạc Kính Điển là quan phụ chính đưa lên ngôi. Mạc Mậu Hợp lên ngôi vào tháng 1/1562, lấy hiệu là Thuần Phúc thứ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi công việc trong triều đình lúc đó đều do Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng nắm giữ.

Trong thời gian này, lợi dụng Mạc Phúc Nguyên mất, con nối ngôi còn thơ dại, trong khi quan phụ chính là Mạc Kính Điển cũng đã cao tuổi nên phía quân Lê - Trịnh liên tiếp mở những cuộc tấn công vào các vùng Trường Yên, Yên Sơn Nam. Quan phụ chính Mạc Kính Điển lại phải thân chinh đốc binh mã chống Lê - Trịnh. Mạc Kính Điển đã tổ chức những trận đánh thọc sâu vào Thanh Hoa buộc thái sư phụ chính của Nam triều là Trịnh Kiểm phải lui quân về giữ Tây Đô, Thanh Hoa.

img

Tranh minh hoạ.

Đến tháng 9/1566, Trịnh Kiểm lại xuất quân đánh vào vùng Tây Nam. Tháng 7 năm 1567, khi Trịnh Kiểm đánh vào vùng Sơn Nam cướp thóc lúa thì bị Mạc Kính Điển đánh mạnh nên Trịnh Kiểm lại phải lui quân về Thanh Hoa. Tháng 10 năm 1567, Trịnh Kiểm ốm nặng, phải trao quyền cho con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng nối giữ chức Thái Quốc công giúp Lê Anh Tông và giao Nguyễn Hoàng trấn thủ cả Thuận Hóa và Quảng Nam.

Tháng 2/1570, Trịnh Kiểm chết, anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền. Thấy triều Lê Anh Tông lục đục, quan Bố Chính là Lập quận công Mạc Lập Bạo đem quân về đầu hàng Mạc Mậu Hợp. Mạc Kính Điển nhân thế đem quân đánh thẳng vào Thanh Hoa. Cuộc tấn công Lê - Trịnh lúc này của nhà Mạc kéo dài suốt năm 1570 nhưng vẫn không phân thắng bại.

Từ năm 1571/1580, Mạc Kính Điển liên tiếp xuất quân đánh Lê Anh Tông. Quân nhà Mạc tiến sâu vào Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam nhưng cuối cùng cũng không đánh chiếm được. Tháng 10- 1573, Mạc Mậu Hợp mới 12 tuổi, từ bến Bồ Đề qua sông vào Đông Kinh, đắp thành ở bên ngoài cửa Nam, dựng một ngôi điện bằng tranh tre để ở. Năm 1577, Mạc Mậu Hợp 16 tuổi, lấy con gái của Cẩm y thư vệ sự Phú Sơn hầu Vũ Văn Khuê là nàng Vũ Thị Hoành làm vợ, lập làm Chính phi. Ngày 21/2/1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh vào cung, liệt nửa người, chữa mãi mới khỏi.

Lúc này rất nhiều người trước kia hy vọng vào sự tốt đẹp của vương triều mới, đã ra thi thố tài năng giúp việc, đều chán nản, muốn rút về ở ẩn. Tháng 10/1580, Mạc Kính Điển lâm bệnh mất sau 34 năm phụ chính cho các ấu chúa nhà Mạc. Khi Mạc Kính Điển mất, Mạc Mậu Hợp đã trưởng thành nhưng việc nước vẫn chưa thể đảm nhiệm hết.

Vậy nên, Mạc Mậu Hợp trao quyền cho Trung doanh Tổng súy ứng vương cho người chú khác là Mạc Đôn Nhượng. Mạc Đôn Nhượng là em út của Mạc Kính Điển. Tuy nhiên, do Mạc Đôn Nhượng vốn là người nhu nhược, thiếu tính quyết đoán nên 3 năm sau kể từ ngày được Mạc Mậu Hợp bổ nhiệm chức vụ vẫn chưa một lần xuất quân đi đánh dẹp nhà Lê, Trịnh.

Không những thế, Mạc Đôn Nhượng cũng thường xuyên trễ nải việc quân. Các việc triều chính khác cũng không quán xuyến được như thời của Mạc Kính Điển. Nhà Mạc bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng.

Lời bàn về Mạc Mậu Hợp

Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ năm của nhà Mạc. Khi mới lên 2 tuổi, Mạc Mậu Hợp đã được Khiêm vương Mạc Kính Điển là phụ chính đưa lên ngôi vào tháng 1-1562. Khi Mạc Kính Điển mất, Mạc Mậu Hợp đã trưởng thành nhưng không nắm quyền bính, mà trao quyền cho Mạc Đôn Nhượng rồi tiếp tục cuộc sống xa hoa, kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, không quan tâm chuyện triều chính, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Vì vậy, thế và lực của nhà Mạc dưới thời Mạc Mậu Hợp ngày càng sa sút. Đặc biệt, chính thói hoang dâm, hiếu sắc của Mạc Mậu Hợp đã đẩy cơ nghiệp của nhà Mạc đến chỗ suy vong. Để thỏa mãn dục vọng của mình, Mạc Mậu Hợp đã không ngần ngại "mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân".

Và theo sử cũ, khi đã đến bước đường cùng, Mạc Mậu Hợp buộc phải ẩn náu trong chùa, cố ý mượn áo cà sa và cầu kinh niệm Phật để che mắt bưng tai thiên hạ. Vẫn biết rằng từ thượng cổ cho đến nay, cửa chùa luôn rộng mở, nhưng chỉ rộng mở với những ai biết giữ gìn sự tinh khiết cho nơi thờ Phật mà thôi. Còn với Mạc Mậu Hợp, khi vào chùa mà còn mang theo hai kỹ nữ thì quả là đáng sợ. Thế mới biết rằng với Mạc Mậu Hợp thì đến chết nhưng cái nết vẫn không chừa, dám làm ô uế nhà chùa thì làm sao Phật cứu độ cho được? Chính vì thế cho nên Mạc Mậu Hợp đã phải trả cái giá quá đắt đó là mạng sống của chính mình và cơ đồ của tổ tiên để lại bị mất trắng.