Dân Việt

Tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật

PV 16/12/2024 06:15 GMT+7
Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, mạng lưới cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật hiện có 48 cơ sở giáo dục chuyên biệt (GDCB); 14 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật công lập thuộc 31 tỉnh/thành phố.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, các địa phương đã quan tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật; khảo sát, tổng hợp và nắm chắc số liệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tiểu học, huy động tối đa số trẻ khuyết tật đi học.

Một số địa phương đã tích cực thành lập hoặc đang xây dựng đề án xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và bước đầu đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Giáo dục trẻ khuyết tật tại Trung tâm Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh Minh Tiến.

Đến nay, tỷ lệ trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục và tham gia học tập ở cấp tiểu học và THCS tăng, chủ yếu học hòa nhập tại các trường tiểu học và THCS.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng các tài liệu về giáo dục học sinh khuyết tật, như: Hệ thống ngôn ngữ ký hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille; tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non; tài liệu hướng dẫn đánh giá học sinh khuyết tật cấp tiểu học; tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ công cụ ASQ-3 trong các cơ sở giáo dục mầm non; tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;

Giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ giáo dục đặc biệt; chương trình đào tạo sinh viên là người điếc và đào tạo trình độ cao đẳng cho người điếc; phát triển chương trình giáo dục học sinh khuyết tật trên cơ sở Chương trình GDPT 2018.

Các địa phương cũng đã quan tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật; khảo sát số liệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học nhằm huy động tối đa trẻ khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập.

Một số địa phương đã tích cực thành lập hoặc đang xây dựng đề án xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và bước đầu đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã chú trọng tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học và thời khoá biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương. Trong đó, nội dung dạy học tập trung vào các môn Tiếng Việt, Toán nhằm rèn kỹ năng đọc, viết và tính toán cho học sinh.

Bên cạnh đó, dựa theo số lượng trẻ, các địa phương đã tổ chức cho các em học sinh thuộc nhóm này học theo các lớp ghép với trình độ khác nhau để đảm bảo quyền được học và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại, hạn chế liên quan đến một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa có kỹ năng trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật do chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ dẫn đến chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật chưa cao.

Một số tỉnh/thành phố chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho giáo dục học sinh khuyết tật. Một số tỉnh/thành phố chưa thực hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến góp ý góp ý với dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mạng lưới cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật hiện có 48 cơ sở giáo dục chuyên biệt (GDCB); 14 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật công lập thuộc 31 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó có hàng trăm trung tâm, phòng can thiệp, hỗ trợ giáo dục đặc biệt tư thục thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, tổ chức khác nhau, các cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật, nhất là của tư nhân thành lập theo hướng tự phát, không có quy hoạch; phân bố các cơ sở GDCB dành cho trẻ khuyết tật chưa hợp lý; hầu hết cơ sở GDCB và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (GDHN) tập trung tại thành phố, vùng đô thị. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng xa không có cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật. Hệ thống trường chuyên biệt chưa có đủ để đáp ứng nhu cầu riêng của từng loại trẻ khuyết tật, trẻ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và trẻ đa khuyết tật. Do đó, cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa khó thực hiện.

Để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật, cần phải xây dựng, quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở GDCB và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN đồng bộ, phù hợp với thực tiễn giáo dục trẻ em khuyết tật ở các địa phương. Ngày 9/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó, giao Bộ GD&ĐT tổ chức lập Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN.

Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN phải đáp ứng yêu cầu tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các cơ sở GDCB và trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN dành cho người khuyết tật. Đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu công bằng xã hội về giáo dục cho mọi người dân.