Dân Việt

Chủ động trong tuyển dụng nhà giáo

Theo Lan Anh 16/12/2024 10:28 GMT+7
Các đại biểu Quốc hội đồng tình Ngành Giáo dục được chủ động trong tuyển dụng nhà giáo khi bàn về dự thảo Luật Nhà giáo.
img

Cô trò Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Bỏ qua kỹ năng nghiệp vụ

Đồng tình với nội dung ngành Giáo dục được chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, bà Nguyễn Thị Quốc Hòa - Trưởng phòng Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Thái Nguyên) nhận định: Thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế.

Có thể kể đến việc tuyển dụng đúng quy trình nhưng đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho cấp huyện lại không phải là phòng GD&ĐT nên thường chú trọng đến kiến thức quản lý Nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ. Nhiều địa phương không sử dụng thực hành sư phạm để tuyển dụng mà sử dụng hình thức phỏng vấn nên khó tuyển được người giỏi vào ngành.

Thậm chí, nhiều trường không thể chắc chắn rằng người được tuyển có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trình bày bảng, kỹ năng thuyết trình, phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục hay không.

Ở hầu hết địa phương, cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái, nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhà giáo trên địa bàn quản lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu về người làm việc trước mỗi năm học.

Dưới góc nhìn khác, bà Phạm Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lai Châu chia sẻ: Tỷ lệ tinh giản biên chế ngành Giáo dục giống như viên chức khác dẫn đến việc cắt biên chế nhưng vẫn phải hợp đồng giáo viên. Thực tiễn, việc tuyển dụng biên chế chỉ có ý nghĩa đối với người được tuyển, không có ý nghĩa với nhà trường và công tác giảng dạy.

Việc chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng đặc biệt khó khăn công tác. Nhiều nơi vùng sâu, xa dù có biên chế nhưng không có nguồn để tuyển, cũng không có người để hợp đồng.

Ngoài ra, thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, môn học. Số lượng biên chế tinh giản chủ yếu do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, chuyên môn đào tạo…

Thậm chí có trường quy mô nhỏ, số giáo viên biên chế không đủ để phân công làm chủ nhiệm lớp, ảnh hưởng đến công tác chủ nhiệm. Nhưng hiện tại không có quy định về điều động viên chức, chỉ có biệt phái viên chức; không có quy định để giáo viên dạy liên trường.

img

Ngành Giáo dục cần được chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên. Ảnh minh họa: Vân Anh

Giải quyết từ gốc

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An nhận định: Hiện hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo. Điều này hạn chế vai trò tham mưu của phòng GD&ĐT về chuyên môn, dẫn đến hiện tượng giáo viên bị thừa - thiếu cục bộ. Việc bố trí đội ngũ, cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện; trong khi cơ chế thực hiện ở mỗi huyện, điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác nhau.

Chưa kể, do quy định phân cấp quản lý, dẫn đến không thực hiện được điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác để bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu; khó khăn trong việc tiếp nhận giáo viên từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác để tạo điều kiện cho nhà giáo được yên tâm công tác, hợp lý hóa gia đình.

Việc tuyển dụng nhà giáo hiện nay chưa thể hiện được tính đặc thù của nghề giáo mà vẫn giống như tuyển viên chức, công chức các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khác. Ứng viên thi kiến thức chung, phỏng vấn, trong khi điều quan trọng nhất của nhà giáo là năng lực soạn bài giảng và đứng lớp thông qua tiết dạy.

Do đó, đại diện Công đoàn Giáo dục Nghệ An đề xuất quy định nội dung, hình thức và các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng đối với nhà giáo, không áp dụng Luật Viên chức để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ, tăng cường tiêu chí và đánh giá về năng lực sư phạm.

Thời điểm tuyển dụng quy định thống nhất 2 kỳ/năm để đảm bảo linh hoạt, đáp ứng ngay số lượng nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục. Đồng thời phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu; trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Ông Hải cũng đề xuất việc đảm bảo sự quản lý thống nhất trong toàn ngành, thông suốt từ Trung ương đến địa phương như: Phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý nhà giáo cấp huyện; sở GD&ĐT trực tiếp quản lý nhà giáo khối trực thuộc và điều chuyển, cân đối đội ngũ nhà giáo các huyện trên địa bàn tỉnh, điều chuyển đội ngũ công chức giữa các phòng GD&ĐT...

Từ thực tế địa phương, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thì cho rằng, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Ví dụ, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo.

Việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.

Tôi đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ. Đây là quy định quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở các địa phương. - Ông Trần Văn Thức