Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của cố nhà văn Kim Dung, phái Cổ Mộ do Lâm Triều Anh sáng lập, ẩn mình trong khu Hoạt tử Nhân mộ thuộc dãy Chung Nam Sơn. Phái Cổ Mộ không chỉ được biết đến với các tuyệt kỹ võ công độc đáo mà còn nổi tiếng với những món ám khí khiến đối thủ phải kiêng dè, đặc biệt là Băng phách ngân châm.
Băng phách ngân châm do tổ sư Lâm Triều Anh chế tạo, được đánh giá cao nhờ độ lợi hại và độc tính của nó. So với Ngọc phong châm - loại ám khí khác của phái Cổ Mộ vốn mang độc tính ôn hòa, Băng phách ngân châm lại tỏ ra cực kỳ hiểm ác. Những ai trúng phải ngân châm sẽ có triệu chứng tím tái, lạnh cóng như bị đông cứng. Nếu không có thuốc giải, người trúng độc sẽ chết vì hàn độc xâm nhập toàn thân.
Trong Thần điêu đại hiệp, Băng phách ngân châm đã nhiều lần chứng minh uy lực khủng khiếp. Một lần, khi Kim Luân Pháp Vương – một đại cao thủ bấy giờ và Ni Ma Tinh tấn công để bắt Quách Tương, Dương Quá đã khôn khéo sử dụng Băng phách ngân châm gài bẫy dưới đất. Hai kẻ này trúng độc, toàn thân tê dại, chân đứng không vững, buộc phải rút lui trong tình trạng khốn đốn.
Ám khí này cũng trở thành vũ khí lợi hại của Lý Mạc Sầu – đệ tử đời thứ ba của phái Cổ Mộ và là sư tỷ của Tiểu Long Nữ. Lý Mạc Sầu là một người vô cùng tần độc, nổi tiếng với công phu Xích luyện thần chưởng, thường xuyên dùng Băng phách ngân châm trong các trận chiến. Thậm chí, bang chủ Cái Bang Hoàng Dung từng toát mồ hôi trước sự phối hợp giữa ám khí và võ công của Lý Mạc Sầu.
Có thể nói, Băng phách ngân châm là một trong số những ám khí đặc trưng và đáng sợ nhất trong vũ trụ kiếm hiệp của Kim Dung. Nó không chỉ là một công cụ sát thương mà còn là biểu tượng cho sự tàn độc, lạnh lùng của người sử dụng, điển hình là Lý Mạc Sầu.