Dân Việt

Hà Nội ưu tiên sử dụng quỹ đất xây trường phổ thông: Phương án thế nào?

Tào Nga 16/12/2024 15:37 GMT+7
Theo Quy hoạch thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt, cấp THPT sẽ được phân bố trường phù hợp với nhu cầu người học tại các khu vực dân cư. Trong đó ưu tiên các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.

Ưu tiên sử dụng quỹ đất xây trường THPT sau khi di dời nhà máy, trụ sở, trường đại học

Thủ tướng Chính phủ mới đây vừa phê duyệt Quyết định 1569 về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo toàn diện gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô và cả nước, đáp ứng những tiến bộ khoa học công nghệ; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Phát triển đa dạng các loại hình giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với mọi độ tuổi theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Phát triển giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc tế, đột phá trong phát triển giáo dục thông minh, giáo dục có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao. Phát triển các trường học gắn với dự án tái thiết đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn theo định hướng giao thông công cộng.

5 quận "sốt" nhất ở Hà Nội mỗi mùa tuyển sinh được ưu tiên phân bổ trường THPT - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Bảo đảm mỗi xã phường thị trấn có trường mầm non, tiểu học và THCS phù hợp với nhu cầu thực tế. Xây dựng hệ thống trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn trường quốc tế tại khu vực phía Bắc thủ đô.

Đặc biệt nhất, đối với cấp THPT là cấp học luôn gây sốt mỗi mùa tuyển sinh, sẽ được phân bố trường phù hợp với nhu cầu người học tại các khu vực dân cư. Trong đó ưu tiên các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.

Giải pháp là ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở, trường đại học theo quy định để xây dựng các trường phổ thông. Ưu tiên dành quỹ đất để phát triển dịch vụ giáo dục cho các cấp học tại khu vực ngoại thành.

Đối với những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có diện tích đất, cơ sở vật chất không đáp ứng quy định phải di dời toàn bộ, thành phố hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại nơi mới và sử dụng cơ sở cũ trong nội đô cho giáo dục phổ thông và mục đích công cộng.

Đối với cơ sở không phải di dời toàn bộ, cơ sở cũ sẽ được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo sau đại học, đào tạo nghề chất lượng cao, giáo dục phổ thông và không gian công cộng.

Quy hoạch chủ trương thực hiện di dời trường đại học, trường nghề nghiệp ra khỏi khu vực nội đô ra các khu đô thị vệ tinh, hình thành các cụm đại học có hệ thống hạ tầng chung đồng bộ, hiện đại.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích phát triển trường ngoài công lập ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời mở rộng tự chủ cho các trường công lập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo nói chung và phát triển dịch vụ giáo dục - đào tạo chất lượng cao nói riêng.

"Việc xây trường phải căn cứ vào sự phát triển với tầm nhìn dài hạn"

Trao đổi với PV báo Dân Việt về sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 từ việc thiếu các cơ sở giáo dục công lập, anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả của nhiều cuốn sách viết về giáo dục như "Cùng con bước qua các kỳ thi", "Tư vấn kỳ thi vào 10" cho biết: "Hiện nay việc thiếu trường thuộc hệ thống công lập là điều thấy rõ. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn tới quá tải về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống trường học. 

Khi quỹ đất không còn nhiều, việc sử dụng cơ sở vật chất và trụ sở các cơ quan, trường đại học di dời khỏi nội đô để xây trường học là phương án khả thi. Rất cần các phòng giáo dục tham mưu cho các cấp lãnh đạo về việc chọn và xây trường phù hợp với địa bàn. Việc xây trường phải căn cứ vào sự phát triển với tầm nhìn dài hạn, không thể chắp vá tùy tiện hoặc mạnh ai nấy kêu. Nếu không có quy hoạch sẽ dẫn tới hiện tượng, nơi thừa nơi thiếu hoặc không đồng bộ hệ thống ba cấp học".

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với gần 3.000 trường mầm non, tiểu học, THCS – THPT và 29 trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn thành phố hiện có gần 2.3 triệu học sinh.

Tuy nhiên, ở bậc THPT hiện mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp THCS thi tuyển vào lớp 10. Hằng năm, số học sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức 60 - 62%.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện nay đang trong giai đoạn rà soát lại. Ví dụ như, quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập; quận Hoàng Mai, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.

Đặc biệt, 7 trường liên cấp tiểu học, THCS – THPT tiên tiến hiện đại hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng. 4/7 đơn vị đã có chủ trương đầu tư và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ thông qua chủ trương này nhằm làm tiền đề cho các đơn vị triển khai thực hiện dự án. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.