Phạm Văn Quyến mãi mãi là cái tên gây tiếc nuối trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Bởi nếu sự nghiệp dài hơi hơn, chúng ta đã có một ngôi sao vượt ra khỏi khu vực, để trở thành một trong những ngôi sao thực thụ của châu lục. Nhưng người ta nói với một chữ “nếu”, có thể bỏ cả Paris vào cái chai. Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Quyến chắc chắn tạo nhiều tranh luận. Nhưng với tôi, anh thực sự là một đàn anh, một người truyền cảm hứng tuyệt vời. Và sự nghiệp của tôi không bao giờ thoát khỏi những so sánh với anh. Tôi chấp nhận chuyện đó, và tôi xem sự so sánh ấy là một động lực để vươn lên.
Tôi được đá cùng anh Văn Quyến lần đầu vào năm 2003. Ngày ấy, anh đã là một ngôi sao chói lòa, được cả nước gọi là thần đồng, là trụ cột của đội tuyển tại SEA Games 22, đạt Quả bóng vàng khi mới 19 tuổi. Còn tôi khi ấy chỉ vừa chân ướt chân ráo lên đội một. Nhưng được đá cạnh anh là một trải nghiệm khó quên. Có lẽ rất hiếm đội bóng nào trên thế giới có một cặp tiền đạo lùn như thế. Anh Quyến cao 1,67 mét, tôi cao 1,72 mét.
Không cao to, nhưng Văn Quyến được trời ban cho đôi chân cực ngoan, cái hông cực dẻo và một lối chơi bóng rất khác lạ. Từ “thiên tài” là chính xác để mô tả về anh. Không cần phải tập nhiều, Văn Quyến vẫn có thể điều khiển quả bóng theo ý muốn của mình. Anh hơi béo so với chuẩn vận động viên thể thao, thể lực của anh không tốt được như những cầu thủ chuyên nghiệp khác. Nhưng anh chả quan tâm đến điều đó. Không gập cơ bụng, chả hít đất, bỏ qua những bài tập kỹ năng. Trong những đợt chạy vòng tròn để khởi động, 3.000 mét là chỉ tiêu của Ban huấn luyện, anh chỉ chạy 2.500 mét là nghỉ. Thành tích cá nhân của anh trong những bài thi luôn ở nhóm kém nhất đội.
Ngược lại, tôi là người chăm chỉ nhất. Tôi tập từ A đến Z, tôi nuốt hết giáo án, tôi còn phải tập thêm vào ban đêm. Tôi tập sút, tập chuyền rồi làm hàng rào tập sút phạt. Tôi làm tất cả để được đá chính cùng Văn Quyến. Tôi muốn được phối hợp với anh trên sân, chứ không muốn chỉ được nhìn anh từ ghế dự bị.
Những lúc tập luyện mệt mỏi, tôi cũng thầm trách ông trời sao không cho mình một chút thiên tài của Văn Quyến. Anh không tập gì nhưng vẫn dễ dàng xé toang hàng phòng ngự đối thủ. Anh không phải là người thích di chuyển không bóng. Khi không có bóng, trông anh lờ đờ, chán nản. Vậy mà quả bóng đến chân, anh trở thành một con người khác. Vào những ngày đỉnh cao phong độ, có cảm giác không một hậu vệ nào có thể chạm vào anh, không một thủ môn nào đoán được anh sẽ sút vào đâu, không một hệ thống chiến thuật nào có thể vô hiệu hóa anh nổi. Muốn cô lập Văn Quyến những ngày ấy, chỉ có cách chặn đường chuyền, sao cho bóng không đến chân anh mà thôi.
Nhưng vì không tập luyện thường xuyên, phong độ của anh Quyến không đều. Nếu tính trên thang điểm mười, một cầu thủ chuyên cần khi hay nhất chỉ đạt được tám điểm, khi kém nhất sẽ được bốn điểm chứ không đến nỗi thảm họa. Còn anh Quyến không bao giờ ở trong cái biên độ ấy. Khi chơi hay anh vọt lên mười điểm, mà khi kém thì tuột xuống hẳn một điểm. Quyến là con người của hai thái cực. Khi anh đã qua được pha bóng đầu tiên, cảm hứng dâng tràn, không ai có thể ngăn cản anh. Nhưng những pha xử lý đầu trận không tốt, tâm lý không ổn, cả trận ấy anh sẽ chơi như một bóng ma.
Các HLV đều nhìn thấy rõ vấn đề của Quyến, nhưng họ vẫn tung anh vào sân, bởi vì phần thưởng dành cho đội bóng trong những ngày anh chơi tốt là quá lớn, nên họ bỏ qua những vấn đề của anh trên sân tập. Vào thời đỉnh cao của mình, chỉ một lần anh Quyến bị loại khỏi đội tuyển vào năm 2004, dưới thời HLV Edson Tavares vì không đủ thể lực. Còn các HLV khác đều chấp nhận anh.
Bạn đừng nghĩ điều này chỉ có ở Việt Nam. Trên thế giới từng chứng kiến một trường hợp như thế là Ronaldo của Brazil. Các HLV và đồng đội kể Ronaldo tập rất ít, đấy là lý do anh càng đá càng... béo. Anh không thích những bài tập thể lực, anh cũng không có hứng thú với chiến thuật. Nhưng anh vẫn là “người ngoài hành tinh”. Đến cả một HLV nổi tiếng kỷ luật như Fabio Capello cũng không thể gò anh vào khuôn khổ. Trong một bài báo nước ngoài, tôi đọc được câu chuyện Capello kiên quyết ép anh phải tập, nếu không sẽ bị loại khỏi đội hình chính. Anh nói cứ việc cho anh ngồi chơi, hôm sau anh sẽ ghi hai bàn. Kết quả là trận đấu sau đó, anh lập hattrick. Những cá nhân đặc biệt luôn được phép có một quy chuẩn đặc biệt. Và tôi thấy anh Quyến cũng xứng đáng được đối xử đặc biệt.
Ngày lên đội một, tôi làm gì đã có điện thoại di động. Nhưng anh Quyến đã “hai tay hai súng”, với hai chiếc điện thoại vô cùng sành điệu. Một tay là Nokia bầu bầu hình chiếc lá, tay kia là cái Nokia... béo béo, đều là những chiếc điện thoại “hot” nhất bây giờ.
Lúc ấy, Văn Quyến và Huy Hoàng là cặp bài trùng, ở đỉnh cao phong độ. Quyến đá tiền đạo, hào hoa bùng nổ. Hoàng đá trung vệ, quyết liệt rắn rỏi như Sergio Ramos. Họ có rất nhiều tiền, đi đến đâu cũng có các bóng hồng theo sát gót. Hai anh đi Sài Gòn như đi chợ, vì Sài Gòn có nhiều chỗ vui chơi hơn ở Nghệ An.
Anh Quyến uống rượu thì vô địch thiên hạ, có tiếng ở Nghệ An. Trình độ uống rượu của anh chắc cũng cao ngang ngửa với trình đá bóng. Dù chỉ kém Quyến một tuổi, nhưng tôi vẫn bị xếp vào nhóm đàn em mới lên. Tôi không được phép chơi với nhóm ngôi sao, gồm anh Quyến, Huy Hoàng, Quốc Vượng, Văn Trương. Tôi không uống bia rượu, thuốc lá, nên tôi cũng không thể hòa đồng với nhóm đàn anh. Tôi không phán xét bất kỳ ai, nhưng cơ thể tôi không dung nạp được chất kích thích. Tôi có thể uống được bia rượu, nhưng tôi không thấy... ngon. Tôi thích uống trà và nước trái cây hơn. Mỗi lần có tiệc tùng buộc phải uống rượu, hôm sau tôi tập sa sút hẳn. Và tôi không thích việc ấy chút nào.
Lê Công Vinh thời giữ băng đội trưởng tuyển quốc gia Việt Nam.
Anh Quyến hút thuốc cũng không ít, kể cả khi lên tập trung đội tuyển. Và anh thay người yêu như thay áo. Tôi không có vấn đề gì với việc ấy. Anh còn trẻ, chưa lập gia đình, lại có sức hút dường ấy, những cô gái đẹp vây quanh anh là bình thường. Huống chi anh Quyến không tìm họ, mà nhiều người trong số họ tự tìm đến anh. Ngày ấy anh như một thỏi nam châm, hút hết ánh sáng, danh tiếng và gái đẹp về phía mình. Tôi cho đấy là đặc quyền của những thiên tài. Không ai có thể dùng quy chuẩn thông thường để áp vào những con người kiệt xuất như George Best hay Diego Maradona. Thời Best còn thi đấu, ông cặp toàn với hoa hậu, say sưa suốt cả ngày. Ông từng nói: “Tôi dành phần lớn tiền bạc cho rượu bia, gái đẹp và xe sang. Phần tiền còn lại tôi phung phí cả”. Hay một câu khác: “Năm 1969, tôi đã bỏ rượu và kiêng gái. Đấy là 20 phút tồi tệ nhất đời tôi”. Maradona thậm chí còn nghiện ma túy và có con rơi con rớt. Nhưng khi họ đã vào sân, khán giả chỉ nhìn thấy họ, đối thủ phải gục ngã trước họ. Ông trời cho thiên tài, nhưng cũng cho họ cái tật.
Quyến có tính cách rất bất cần. Anh không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Tôi không có thói quen phán xét ai, nhưng tôi chỉ thấy tiếc vì anh Quyến đã không có một bằng hữu hay một người thân đủ sức mạnh kiềm chế bản năng của anh ấy. Nhiều quảng cáo, nhiều tiền, nhiều gái, và cuối cùng anh Quyến đã rơi tự do. Bạn bè quanh anh rất đông, nhưng đa số trong nhóm ấy chỉ tung hô anh chứ không dám nói những lời thật lòng.
Tôi cũng đã rơi vào tình trạng tương tự. Ở đỉnh cao, ta sẽ trượt mà không hay. Nhưng tôi luôn có cái may mắn là biết dừng lại đúng lúc. Tôi may khi có được một người bạn thân là Hồng Tiến luôn kiềm chế mỗi khi tôi có dấu hiệu nhấc chân lên mặt đất. Và tôi luôn có tấm gương của bố năm nào để không phạm sai lầm. Suy cho cùng, con người ta ai mà không tự mãn về bản thân khi đạt được thành tựu nào đó.
Khi tiếc cho Văn Quyến, chúng ta hay dùng từ “giá như” và “nếu như”. Nhưng tôi tin anh Quyến đã nhìn thấy kết cục của mình. Anh là người sống trong hiện tại, anh muốn trải nghiệm cảm giác ở trên đỉnh cao ngất ngưởng của đời người và mặc kệ ngày mai. Anh như chiếc đèn cầy, càng cháy sáng thì càng lụi tàn đi.
Cuộc đời mỗi chúng ta là một quá trình trồng cây. Anh chăm bón tốt, tưới tiêu đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh thì cây sẽ cho trái ngon. Còn nếu giao phó cho tự nhiên, thì một hạt giống tốt đến mấy cũng không thể cho ra một thân cây khỏe mạnh.
Tôi là những gì trái ngược với anh Quyến. Tôi không có tài năng thiên bẩm, tôi không có số mệnh của một ngôi sao. Nhưng tôi tin mãnh liệt: đức năng thắng số. Mình có thể tự thay đổi. Anh Quyến đã sinh ra dưới một vì sao sáng chói, nhưng sự trượt ngã của anh là điều tất yếu của một quá trình sống theo bản năng. Khi nghe ai đó nói tôi cảm thấy vui vì anh Quyến trượt ngã, hay việc anh trượt ngã là cơ hội của tôi, tôi đều cảm thấy chua chát. Vì họ không biết tôi buồn thế nào khi một người đàn anh, một nguồn cảm hứng lớn của mình sa ngã.
Tôi giành Quả bóng Vàng đầu tiên vào năm 2004, năm 19 tuổi, chỉ một năm sau khi anh Quyến giành danh hiệu này. Khi anh còn thi đấu, tôi vẫn được các HLV cho đá chính, và chúng tôi đã tạo thành một cặp song sát. Tôi đâu có ngồi dự bị và chờ khi anh trượt ngã mới có cơ hội. Trên đời này chỉ có được và mất, thành công và thất bại, và may mắn thì không bao giờ đến với kẻ lười nhác. Tôi đã làm việc cật lực với ước mơ được đá cặp với anh, và tôi đã làm được việc ấy. Sao lại nói tôi vui với vận rủi của một đồng đội?
Sau khi anh Văn Quyến trượt ngã, tôi đã tiếp tục trụ lại ở đội tuyển Việt Nam hơn mười năm. Trong mười năm ấy, sao không một tiền đạo nào lấy được vị trí của tôi? Vì tôi có khả năng chân thực. Làm sao người ta có thể sống nhờ vận may suốt cả chục năm trời? Tôi biết nhiều người so sánh tôi với anh Văn Quyến vì lối chơi của tôi. Lối chơi của tôi đơn giản, không bắt mắt. Những ai thích cách đá hoa mỹ, bùng nổ của Văn Quyến rõ ràng sẽ khó mà thích tôi được.
Quan điểm đá bóng của tôi khác với mọi người. Mọi người thích cái đẹp, tôi thì không. Tôi không phải là người thích đảo chân mười cái và dùng động tác giả. Tôi chỉ cần một cái gặt, một động tác để đẩy bóng qua đối thủ. Đường nào tới cầu môn nhanh nhất tôi sẽ làm. Mục đích cuối cùng chỉ có một: ghi bàn. Khán giả thích cái đẹp, nhưng tôi không phải là Văn Quyến.
Trên thế giới có một trường hợp kỳ lạ: Cristiano Ronaldo. Anh ấy khởi đầu là một cầu thủ có lối chơi biểu diễn, thích đảo chân, mở tốc độ để thoát qua các hậu vệ. Nhưng càng ngày anh càng trở thành một người hâm mộ nhiệt thành của chủ nghĩa tối giản trên sân bóng. Tôi luôn nghĩ đá ít chạm khó hơn là rê bóng. Cầm bóng dễ làm hơn, vì ta có quyền chủ động, ta có thể gây bất ngờ, nhưng khi đi bóng qua hai người rồi thì có khi người thứ ba chính là người đầu tiên mà mình vượt qua.
Cầu thủ không phải ai cũng như ai. Vì tư duy mỗi con người đều khác nhau, thế mới là bóng đá. Bóng đá thú vị ở chỗ nó giống như cuộc đời vậy, luôn có chỗ cho tất cả. Anh Quyến sinh ra để khiến người ta bật dậy chỗ ngồi. Còn tôi vào sân để hoàn thành phận sự của mình. Và chúng tôi đã có những con đường và vận mệnh của riêng mình. Và tôi không trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam chỉ vì sự sa ngã của người khác. Mỗi lần nghĩ đến những lời nói vô tình ấy, tôi đều cảm thấy có chút gì đó xót xa.