Dân Việt

Nghệ sĩ Nhân dân là "quái kiệt" làng cải lương, bị bố mẹ người yêu kiện suýt phải ngồi tù

Tuệ Lâm 17/12/2024 16:24 GMT+7
Trong làng cải lương phía Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân được xem là "quái kiệt" có một không hai. Nhắc đến ông, nhiều người vẫn chưa quên được giai thoại từng bị bố mẹ người yêu kiện suýt phải ngồi tù.

Vì sao Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân là "quái kiệt" làng cải lương?

Cách đây không lâu, trong một chương trình ở hải ngoại, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân – cô đào cải lương nổi tiếng thập niên 1970 đã chia sẻ về những huyền thoại trong nghề. Bà nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân – người được giới cải lương gọi là "quái kiệt" với một sự tôn kính.

Nghệ sĩ Nhân dân là "quái kiệt" làng cải lương, bị bố mẹ người yêu kiện suýt phải ngồi tù- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân là "quái kiệt" làng cải lương. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ: "Nghệ sĩ Ba Vân được được gọi là "quái kiệt" trong nghề. Nhưng nếu gọi "quái kiệt" thì chưa hết được về tài năng của ba Ba Vân. Bình thường những nghệ sĩ cải lương khác khi hát một vai nào đó trong một vở tuồng đều phải ca nhiều câu vọng cổ. Có những vai phải ca từ đầu tới cuối tuồng.

Riêng ba Ba Vân lại có một biệt tài khiến ai cũng phải nể phục. Có một vở tuồng mà ba Ba Vân chỉ ca duy nhất hai chữ. Trong tuồng đó, ba đóng vai đứng hầu vua, vua truyền lệnh và nhân vật của ba chỉ đáp lại bằng hai chữ, không có chữ thứ ba. Vậy mà khi ba Ba Vân không hát nữa, cả tuồng đó phải hủy vì không ai thế được vai của ba. Nghệ thuật khó ở chỗ đó, không phải thi xem ai ca dài hơn hay diễn sướt mướt".

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân (còn gọi là "quái kiệt" Ba Vân) tên thật là Lê Long Vân, sinh năm 1908 tại Bến Tre. Mặc dù sinh ra trong một gia đình đông anh chị em nhưng từ nhỏ đã được gia đình mời thầy về dạy nhạc. Ông được học đánh trống, đánh đồ ngang, chọi bạc, đàn tranh và đàn kìm. Do có chất giọng thanh, trong nên ông được thầy chú ý. Sau một thời gian học với thầy, năm 14 tuổi, ông đã đi hát cho các đám tiệc trong làng.

Trong tập hồi ký Kể chuyện cải lương của nghệ sĩ Ba Vân, ông kể rằng: "Tôi sinh ra ở Ba Tri - một vùng quê nghèo của tỉnh Bến Tre, nhưng lại rất giàu đờn ca. Bến Tre lúc đó cũng là vùng đất có phong trào ca hát tài tử phát triển mạnh ở Lục Tỉnh. Nhà tôi nghèo lại đông anh em, ba má tôi muốn các con có một nghề nhàn nhã tấm thân, không phải chịu cảnh nhọc nhằn hôm sớm đồng ruộng nên đã cố gắng rước thầy về dạy nhạc cho anh em tôi ngay từ nhỏ".

Năm 20 tuổi, NSND Ba Vân theo nhóm hát Kiều Vân Tiên. Trong thời gian này, ông tiếp tục tự học, tích lũy kiến thức làm nghề cho mình. Năm 1924, nhân dịp xem gánh hát Tái Đồng Ban của ông bầu Hai Cu, Ba Vân làm quen được với nghệ sĩ Năm Châu, được Năm Châu giới thiệu cho gia nhập hánh hát Tái Đồng Ban.

Ba Vân khi ấy sở hữu ngoại hình cao ráo, đẹp trai cùng với tài nghệ ca hát, chơi nhạc cụ nên nhanh chóng được ông bầu tin tưởng cho hát kép nhì. Vai diễn đầu tiên của Ba Vân là "cậu Hai Vận" trong vở tuồng "Bội Phu Quả Báo" của soạn giả Phạm Công Bình.

Giống như rất nhiều nghệ sĩ trẻ khác, lần đầu lên sân khấu Ba Vân run quá nên nói "cà lăm" (nói lắp) khiến khán giả cười khoái chí. Chính hai soạn giả Năm Châu và Tư Chơi ngồi dưới xem cũng phải bật cười vì sự hài hước và cách phát âm có duyên của Ba Vân. Cũng từ đó, các vai kế tiếp Ba Vân được phân vào vai lão mù hoặc vai hề trên sân khấu. 

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân ca không mùi mẫn bằng các nghệ sĩ trong đoàn là Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng ông lại chiếm cảm tình và nhanh chóng nổi danh ở góc độ hài hước. Vì thế mà ông còn được gọi với biệt danh Hề Ba Vân.

Đến năm 1925, ông đi gánh hát Tân Hí Ban, chuyên hát tuồng Tàu. Ông được tín nhiện cho xuất hiện trong các vở tuồng: Khúc oan vô lượng, Trót tay đã nhúng chàm, Tiếng nói trái tim. Khá giả xem tuồng si mê cái lối ca diễn tình tứ của Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng cũng lại thích cả cái duyên hài của hề Ba Vân.

"Hớp hồn" khán giả mỗi khi lên sân khấu

Trong những năm 1937 - 1939, tài năng của Ba Vân bắt đầu nở rộ khi ông gia nhập gánh Đại Phước Cương ra mắt ở Hà Nội. Ông lưu diễn ở miền Bắc 7 lần từ năm 1927 đến năm 1950.

Từ năm 1950 đến năm 1975, ông sống ở Sài Gòn và tiếp tục đóng góp cho sân khấu cải lương miền Nam. Ông là một trong những bậc thầy về khả năng diễn hài, và được gọi là một trong những "quái kiệt" về hài của sân khấu miền Nam.

Nghệ sĩ Nhân dân là "quái kiệt" làng cải lương, bị bố mẹ người yêu kiện suýt phải ngồi tù- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân được các hậu bối nhắc đến với lòng kính nể. Ảnh: TL

Sau năm 1975, ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Lần lưu diễn thứ 8 của ông ở Hà Nội là vào năm 1977, khi đoàn Sài Gòn được mời ra Thủ đô tham gia hội diễn mừng đất nước thống nhất.

Ba Vân là một trong những cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương. Ông làm hoạt động nghệ thuật cùng thời với Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu, Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh và Nghệ sĩ Nhân dân Ba Du. Tài năng của ông không chỉ ở các vai hài, mà còn ở khả năng diễn xuất đa dạng, tài tình với các vai hề, lão, độc, văn, võ...

Những vở diễn thành công của ông là Men rượu hương tình, Vó ngựa truy phong, Khi người điên biết yêuNgười ven đô. Ngoài ra, ông còn đóng trong một số bộ phim như: Lan và Điệp, Con ma nhà họ Hứa, Sợ vợ mới anh hùngNăm vua hề về làng.

Qua hàng loạt vai diễn như: Điệp (Lan và Điệp), thằng Nhỏ (Vợ và tình), hội đồng Quang (Tư sanh Tứ), huyện Hàm (Tìm hạnh phúc) và nhất là thằng Giàu (Men rượu hương tình)… khán giả lúc khóc nức nở, khi cười nôn ruột với lối diễn xuất thần sầu quỷ khốc, không "đụng hàng" của Ba Vân. Sau nhưng pha "hớp hồn" này, khán giả và truyền thông gật gù gọi ông là "quái kiệt".

Bị bố mẹ người yêu kiện suýt phải ngồi tù

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân thường nói: "Đời là ba chữ "T", có tiền thì sẽ có tình, có tiền có tình thì sẽ mặc sức mà tê tê. Và ông đã áp dụng 3 chữ T đó vào chính cuộc đời, tình yêu, hôn nhân của mình. Người ông chọn gắn bó chính là cô Hồ ở Huế. Tình yêu của họ gập ghềnh, trắc trở... mãi đến được với nhau. Bố mẹ của cô Hồ biết con gái trốn nhà theo Ba Vân đã đâm đơn kiện lên tòa án. Quan tòa ở Huế thời điểm đó liên lạc với nhà chức trách Sài Gòn, yêu cầu bắt Ba Vân về Huế xử tội.

Chính nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há đã nhờ luật sư Dương Tân Trương bào chữa cho Ba Vân và cuối cùng ông được tha, không phải ngồi tù. Để hợp thức hóa tình trạng chung sống với nhau, Ba Vân và cô Hồ được đoàn hát Phụng Hảo tổ chức lễ cưới linh đình. Tuy nhiên, Ba Vân và cô Hồ ở với nhau hơn chục năm nhưng không có con.

Từ buổi tập tễnh bước vào con đường ca hát nghiệp dư đến khi trở thành một diễn viên chuyên nghiệp trong các đoàn hát, rồi nghệ sĩ tiếng tăm lan khắp 3 miền, được Nhà nước phong danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên năm 1984, Ba Vân luôn là một tấm gương sáng về lòng say mê nghệ thuật, về ý thức kiên trì học hỏi, rèn luyện không ngừng…

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Vân qua đời tại TP.HCM vào năm 1988, được an táng tại Nghĩa trang Chùa Nghệ Sĩ.