Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lê Xuân Trường – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hội Nông dân huyện Triệu Sơn hiện có 27844 hội viên, sinh hoạt tại 254 chi hội.
Trong những năm quan, Hội Nông dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn là địa chỉ tin cậy đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội thường xuyên bám sát cơ sở, khảo sát tình hình đời sống của hội viên từ đó xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... giúp hội viên áp dụng có hiệu quả vào mô hình kinh tế của gia đình để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế.
Ngoài ra, hội còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Kết quả đã giúp cho nhiều cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, nhiều hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế hiệu quả, từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương.
Nhằm giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội Nông dân huyện Triệu Sơn đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chính quyền từ huyện đến cơ sở thực hiện chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Trong năm 2024, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản với diện tích 256,2 ha; tích tụ tập trung được 251/250 ha; đấu mối ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Hướng dẫn thành lập HTX "Trồng cây hoa đào, cây cảnh" tại xã Thọ Tân; thành lập 17 Tổ hợp tác, trong đó Tổ hợp tác "Trồng cây đào cảnh" xã Thọ Dân được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân 1 tỉ đồng; Xây dựng mới mô hình sản xuất trồng dưa vàng trong nhà màng tại xã Thọ Sơn với diện tích 3000m2; mô hình sản xuất giống cá chình bông tại xã Hợp Thắng với số lượng 10 ngàn con... Phối hợp với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống: Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH là 166,974 triệu đồng ở 27/34 xã, thị trấn, với 2.863 tổ viên/ 81 tổ VV; NHNN &PTNT tổng dư nợ 855,5 tỷ/34 xã, thị trấn cho 6.177 tổ viên /255 tổ VV; Ngân hàng Bưu điện - Liên Việt với dư nợ 6,3 tỷ cho 364 hộ vay/35 tổ. Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng được 433 tấn phân bón chậm trả; tổ chức 132 buổi tập huấn kỹ thuật nông nghiệp với 9.200 hội viên, nông dân.
Từ nguồn vốn vay đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu của huyện tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.
Thông qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã quy tụ, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội ngày càng cao, góp phần vào việc xây dựng cơ sở hội ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin, tình đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống vươn lên làm giàu, hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội.
Song song với hoạt động tín chấp, Hội Nông dân huyện còn hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, kích thích sức sản xuất của hội viên. Tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất mở rộng đường giao thông theo Nghị quyết 12-NQ/HU, ngày 22/7/2022 của BCH Huyện ủy.
Thành lập mới 20 Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện vệ sinh môi trường đồng ruộng và phân loại và xử lý rác hữu cơ; ra mắt 01 mô hình Tổ tự quản Bảo vệ môi trường tại xã Thọ Tiến và trao tặng xe thu gom rác thải.. Xây dựng 126 tuyến đường "Nông dân tự quản" gắn với các tiêu chí "sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn"; xây dựng Mô hình "Hàng cau nông dân" với số lương hơn 20.000 cây; hướng dẫn thực hiện 744 vườn mẫu, vườn hộ dọc 2 bên các tuyến đường kết nối của các địa phương...
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng như bà con nông dân huyện Triệu Sơn rất mong muốn các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cũng như các sở, ngành của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn phát triển sản xuất, trong đó đề nghị tiếp tục tỉnh cũng như Trung ương quan tâm hơn nữa về đầu tư vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp xây dựng các dự án phát triển mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Triệu Sơn, ông Trường bày tỏ.
Tiếp đến, đại diện cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn mong muốn thời gian tới Trung ương, tỉnh sẽ có những giải pháp để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế tập thể và phát triển thêm nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Vì việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sẽ nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Còn đối với nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, đây là một trong những nguồn vốn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng các mô hình mới.
Trong gần 30 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đến nay chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn. Tuy nhiên, nguồn vốn Quỹ các cấp hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thời gian tới, đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho Quỹ HTND các cấp hoạt động hiệu quả. Chỉ đạo để hàng năm phân bổ nguồn vốn quỹ từ nguồn ngân sách địa phương.
Bình Sơn là xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn, HTX mới thành lập còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất. Điều kiện sản xuất của Nhân dân chủ yếu theo tập tục và thói quen, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt, 80% thành viên tham gia HTX còn là hộ nghèo… Năm 2016, được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân, tôi đảm nhận trọng trách là Giám đốc HTX Dịch vụ Nông Lâm nghiệp xã Bình Sơn. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã, bản thân đã quyết tâm, mạnh dạn trong việc dẫn dắt các hoạt động của HTX. Tập thể HTX đã cụ thể hóa Nghị quyết, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả rõ rệt, đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện.
Khi tỉnh Thanh Hóa triển khai Chương trình OCOP, ông Lê Đình Tú đã tham gia tập huấn. Và việc làm đầu tiên của ông sau khi được tập huấn chính là thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, sản xuất cho bà con nông dân. HTX đã tổ chức cho thành viên học tập kinh nghiệm tại vùng chè Thái Nguyên để áp dụng vào sản xuất, chế biến trên địa bàn xã. Với sự nỗ lực, tích cực của ông Tú, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là: Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất và Chè sạch Bình Sơn. Là một trong 9 chủ thể đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đến nay, HTX do ông Tú dẫn dắt đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, từng bước khẳng định thương hiệu Bình Sơn trên thị trường.
Ông Tú chia sẻ: "Phát triển các nông sản đặc trưng của địa phương không chỉ là "nghề" mà còn là "nghiệp" của tôi, nên bản thân tôi luôn dốc lòng, dốc sức để phát triển HTX, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên từ nghề truyền thống. Trở thành HTX nông nghiệp duy nhất của tỉnh phát triển được 4 sản phẩm OCOP không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của bản thân tôi mà còn là niềm vui lớn của bà con xã miền núi Bình Sơn. Càng tự hào hơn khi các sản phẩm của HTX đã có mặt ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhờ đó, doanh thu trung bình năm của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn xã".
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, phát triển rất nhiều sản phẩm OCOP. Tuy nhiên quy mô sản xuất các sản phẩm hiện nay còn nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thị trường so với các sản phẩm công nghiệp còn yếu; giá thành sản phẩm cao do quy mô đầu tư sản xuất hạn chế, các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn băn khoăn và gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tôi mong muốn, tỉnh quan tâm chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là yêu cầu tất yếu khách quan trong đó người dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số. Hiện nay có rất nhiều các sàn thương mại điện tử rất thuận lợi cho kinh doanh. Để giúp cho người nông dân kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tôi đề nghị trong thời gian tới Trung ương, tỉnh có những giải pháp để hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, xây dựng quảng bá, giới thiệu, quản lý, thương hiệu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trực tiếp sản xuất, thấy được giá trị kinh tế cao từ cây ổi, anh Bùi Anh Kiều đã mạnh dạn vận động một số hội viên trong chi hội nông dân cùng trồng ổi để tạo nên một khu vực chuyên canh với nguồn cung số lượng lớn. Hội Nông dân xã Thành Tâm vận động, tư vấn và hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể để hội viên có điều kiện hỗ trợ nhau và dựa vào nhau phát triển. HTX Ổi xã Thành Tâm ra đời năm 2021, và anh được tín nhiệm làm giám đốc. Để có sản phẩm ổi chất lượng, an toàn, anh đã tuyên truyền hội viên và gia đình sử dụng phương thức canh tác hữu cơ, vì vậy chất lượng ổi được đánh giá có vị ngọt đậm và kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Từ đó, sản phẩm quả ổi của HTX Thành Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021 và có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều đơn hàng được cửa hàng thực phẩm an toàn đặt mua và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ rộng rãi với số lượng lớn.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bằng nỗ lực của mình, nhiều năm gia đình anh được UBND xã, UBND huyện Thạch Thành công nhận đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, việc làm thời vụ cho 10 lao động. Kinh tế gia đình phát triển, anh đã giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo và tích cực tham gia ủng hộ các phong trào nhân đạo, từ thiện của địa phương. Anh chia sẻ, "Việc tiếp cận nguồn vốn của hội viên nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các hộ nông dân cần nguồn vốn lớn để xây dựng, phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã và doanh nghiệp ở nông thôn khó tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, để phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng sản phẩm Vietgap, Ocop, các mô hình cơ giới hóa đồng bộ cho hội viên, nông dân. Đề nghị trung ương, tỉnh có cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi hội nông dân nghề nghiệp và có chính sách hỗ trợ cho nông dân xây dựng các trang trại lớn; có cơ chế ưu đãi khi vay vốn để kích cầu, động viên kịp thời cho nông dân yên tâm sản xuất".