Dân Việt

Ca sĩ Vũ Thùy Linh: NSND Thanh Ngoan nhiều lần "mắng" tôi

Yến Thanh 20/12/2024 08:33 GMT+7
Vũ Thùy Linh - ca sĩ sinh năm 1999 tiết lộ NSND Thanh Ngoan từng nhiều lần "mắng" cô khi giảng dạy, tuy nhiên nhờ vậy cô trưởng thành và thay đổi.

Mới đây, ca sĩ trẻ Vũ Thùy Linh ra album Tơ đồng thánh thót – dự án âm nhạc kết hợp dân ca nguyên gốc cùng dàn nhạc giao hưởng, nhằm đưa di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đến gần hơn với công chúng.

Sản phẩm được nhạc sĩ Lưu Quang Minh phối khí, gồm 4 bài dân ca, dân gian nổi tiếng của Việt Nam: Lúng liếng (quan họ Bắc Ninh), Công cha ngãi mẹ sinh thành (hát xẩm), Luyện năm cung (hát chèo), Chầu Năm suối Lân (chầu văn), bên cạnh ca khúc Giai điệu Việt Nam mình (do Tuấn Cry sáng tác). Ngay sau khi ra mắt, album của Vũ Thùy Linh đã được giới chuyên môn đánh giá cao, không ít người tỏ ra bất ngờ với cách hát vừa đúng lối cổ, vừa mang tinh thần trẻ trung, hiện đại của nữ nghệ sĩ.

Mới đây, Vũ Thùy Linh cũng trình diễn trong đêm mở màn của Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHCM - HOZO Super Fest 2024 (ngày 13/12), cùng đêm diễn với HIEUTHUHAI và ngôi sao quốc tế Henry Lau.

Ca sĩ Vũ Thùy Linh: NSND Thanh Ngoan nhiều lần "mắng" tôi- Ảnh 1.

Ca sĩ Vũ Thùy Linh. (Ảnh: NVCC)

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Vũ Thùy Linh về dự án này cũng như đam mê của cô với văn hóa truyền thống:

Hình ảnh hầu đồng của Vũ Thùy Linh tại đền Rõm (Sóc Sơn, Hà Nội) từng gây "sốt" mạng xã hội bởi vẻ ngoài xinh đẹp, cuốn hút. Mới đây, bạn lại gây chú ý khi ra ra album Tơ đồng thánh thót, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá khá cao. Điều gì đã khiến Thùy Linh dành niềm đam mê cho những giai điệu dân gian dù còn khá trẻ?

- Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu những thứ liên quan tới nghệ thuật, trong đó có các làn điệu dân ca. Sau này, khi lớn lên, tôi chọn theo học chính về thính phòng, tuy vậy bởi đam mê nên vẫn học thêm dân gian và nhạc nhẹ.

Cách đây vài tháng, khi tham gia một live concert nhỏ, nhạc sĩ Lưu Quang Minh có chia sẻ việc tôi có thể hát xẩm, chèo. Bởi vậy, một nhà báo đã gợi ý với tôi: "Tại sao Linh không làm sản phẩm về chèo, xẩm với dàn giao hưởng?". Thấy ý tưởng này rất thú vị, tôi đã bắt tay vào làm luôn, khởi đầu bằng việc đi học các nghệ nhân nổi tiếng.

Là một gen Z, tôi thực sự rất yêu văn hoá dân gian. Tôi luôn thấy đó là một kho tàng, vừa muốn khai thác, vừa mong được gìn giữ và lan toả... Tôi cũng hi vọng bạn bè năm châu biết đến nhiều hơn khi tôi phối khí các làn điệu này với dàn nhạc giao hưởng.

Nhiều người trẻ chọn chạy show, tham gia các chương trình truyền hình thực tế, còn Thùy Linh lại dành thời gian học chèo, hát xẩm, hát chầu văn theo đúng lối cổ. Tại sao bạn lại chọn cho mình một con đường có phần khó đi hơn?

- Những năm qua, tôi cũng đã chạy show đi hát. Tới thời điểm này, tôi nhận thấy đã tới lúc mình cần làm một điều gì đó đẹp đẽ và ý nghĩa cho chính mình, cũng như cho khán giả. Do dành tình yêu với các chất liệu dân gian từ bên trong, khi học hát, tôi rất say mê, những giờ học luôn vui và hào hứng. 

Với tôi, giữ gìn, phát huy văn hoá là phải giữ được giá trị cốt lõi, tiếp đó mới sáng tạo để làm mới. Cũng bởi vậy, tôi nghiêm túc học theo đúng lề lối của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Từ chất liệu dân gian, tôi tìm tòi những điều phù hợp nhất với bản thân và biến nó trở thành của riêng mình.

Ca sĩ Vũ Thùy Linh: NSND Thanh Ngoan nhiều lần "mắng" tôi- Ảnh 2.

NSND Thúy Hường nhận định "người xinh đẹp như Vũ Thuỳ Linh lại lao vào âm nhạc truyền thống, hiếm lắm, rất đáng quý". (Ảnh: NVCC)

Theo học NSND Thúy Hường và NSND Thanh Ngoan, những "cây đa, cây đề" của nghệ thuật truyền thống, Thùy Linh gặp những khó khăn gì? 

- NSND Thanh Ngoan sở hữu nhiều phương pháp hay, giúp đỡ tôi nắm bắt nhanh chóng các kiến thức trong quá trình theo học. Có những thứ cô đưa ra, ban đầu tôi nghĩ mình không thể làm được, sau đó ngỡ ngàng vì đã vượt qua, có thể áp dụng trong nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó, cô cũng khá khó tính, không ít lần "mắng" tôi trong các buổi học. Tôi không buồn mà ngược lại thấy vui bởi điều này, khi tự nhận thấy mình trưởng thành và thay đổi, tốt lên dần.

NSND Thuý Hường thì lại luôn dịu hiền, dễ chịu. Cô ân cần chỉ bảo tôi từng chỗ, động viên, nhắn nhủ học trò. Tôi đã gặp cô, học cô từ những năm 17 tuổi. Gần đây, khi tôi tìm cô và nói rằng muốn làm dự án này, cô đã rất ủng hộ và dành cho tôi nhiều tình cảm. Theo học NSND Thuý Hường, tôi trải qua quãng đường dài từ Hà Nội lên Bắc Ninh nhưng không hề mệt mà thậm chí phấn khích, chăm chỉ hơn. Có lẽ cũng bởi tôi quá yêu quan họ.

Bài xẩm "Công cha ngãi mẹ sinh thành" do Vũ Thùy Linh thể hiện. (Clip: YTNV)

Cách hát của Thùy Linh hiện tại có chịu ảnh hưởng lớn từ các nghệ sĩ này?

- Tôi có ảnh hưởng hai cô về kỹ thuật. Sau khi học, tôi cố gắng hát lối cổ tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Từ những gì các cô dạy, tôi kết hợp với chất giọng riêng, tạo nên một phiên bản rất quen nhưng cũng mới lạ.

Học với hai nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng, tôi khám phá ra nhiều điều mới mẻ. Hai cô chỉ dạy cho tôi cách mở khẩu hình sao cho có thể hát bạch thanh, lên cao xuống thấp mà vẫn giữ được hơi ổn định, kết hợp với các kỹ thuật luyến láy, nảy hạt, uyển chuyển. Tìm hiểu và theo học những làn điệu dân gian, tôi càng khâm phục những nghệ sĩ nghệ nhân, họ thật sự đáng được tôn vinh và trân trọng.

Không ít nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian nói họ có đôi chút "chạnh lòng" khi lĩnh vực này không nhiều khán giả. Bạn có khi nào nghĩ tới điều này?

- Dù nhiều hay ít người biết tới, dòng nhạc dân gian vẫn luôn là một phần quan trọng trong nét đẹp văn hoá dân tộc. Thay vì buồn, tôi khao khát sáng tạo để sản phẩm có thể tiếp cận được nhiều người nghe hơn, đặc biệt là giới trẻ. Dự án này chính là một ví dụ, tôi muốn giữ được giá trị cốt lõi nhưng lại phát huy những điều mới mẻ, tạo nên một không gian âm nhạc đa màu sắc dựa trên những điều sẵn có thú vị của di sản văn hoá Việt Nam.

Cảm ơn những chia sẻ của Thùy Linh!