Ông chính là Lý Nhân Tông (1066-1128), con trai của vua Lý Thánh Tông, là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý.
Lý Nhân Tông lên ngôi năm 7 tuổi (năm 1072), đến năm 1128 thì mất. Ông trở thành vị vua có thời gian trị vì lâu nhất sử Việt với hơn 55 năm. Thời kỳ này cũng đánh dấu giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử nhà Lý và là một trong những giai đoạn văn minh bậc nhất sử Việt.
Triều đại của vua Lý Nhân Tông chứng kiến sự phát triển của nền giáo dục khoa bảng Đại Việt. Mùa xuân năm 1075, ông cho tổ chức kỳ thi khoa bảng đầu tiên, khoa thi Tam trường để chọn người có tài ra giúp nước. Triều đình chấm đỗ 10 người, trạng nguyên khoa bảng đầu tiên của Đại Việt chính là trạng nguyên Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh).
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo. Đây cũng là nơi dạy học ở bậc cao giành cho thái tử, những người tài giỏi của đất nước. Đây cũng được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Cùng năm đó, ông ban chiếu “cầu lời nói thẳng” với mong muốn nhận được những lời can gián thẳng thắn của quần thần và dân chúng.
Cùng với việc phát triển Nho học và giáo dục, nhà vua, Thái hậu cho xây nhiều chùa chiền, khuyến khích việc hành đạo của các thiền sư. Nhờ đó, trong giai đoạn này, Phật pháp được truyền đi khắp nơi. Vua dùng Phật pháp để giáo hóa dân chúng, khiến giang sơn thái bình, xã tắc ổn định.
Không chỉ coi trọng giáo hóa dân chúng, Lý Nhân Tông rất quan tâm đến nông nghiệp – thủy lợi. Vị vua này có nhiều sáng kiến xây dựng những công trình kinh tế xã hội mang tính khai phá, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn nước Đại Việt đương thời. Ông được xem là người khởi công đắp những con đê lớn đầu tiên của Đại Việt.
Dưới sự trị vì của Lý Nhân Tông, đất nước thường xuyên gặt hái được mùa lúa bội thu. Trong những năm hạn hán, hoàng đế mở kho lương và giảm thuế để giúp dân chúng vượt qua khó khăn, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Vua cũng thường xuyên tham gia và tổ chức các lễ hội bắt voi, thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh của Đại Việt.
Có thể thấy trong suốt thời gian trị vì, vua Lý Nhân Tông có nhiều chính sách cải cách quan trọng cho đất nước Đại Việt. Vua được nhân dân tôn kính và gọi là “vua Phật” và được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam.