Theo báo cáo tổng kết của Bộ TN-MT, năm 2024, cơ quan này đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên,...
Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng); Luật Địa chất và Khoáng sản 2024.
Đồng thời, Bộ TN-MT đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết phức tạp về quản lý đất đai. Đây là các văn bản rất quan trọng để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, vướng mắc đối với các dự án sử dụng đất, khơi thông các điểm nghẽn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, theo đúng tinh thần chỉ đạo về phòng, chống lãng phí.
Cùng với đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các - bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước ngành TN-MT cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế.
Trong đó, một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.
Cùng với đó, nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục;...
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ngành TN-MT phấn đấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2025 với tinh thần: "Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả".
"Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, ngành TN-MT tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực. Cùng với đó, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Ngành cũng đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đặt được trong năm 2025, cụ thể: Hoàn thành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành TN-MT theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số18-NQ/TW,...