Chương trình được chia thành 3 phần: Con đường độc lập, Con đường thống nhất và Con đường tiến lên kỷ nguyên mới. Các chương kết nối với nhau tạo thành con đường lịch gắn với lịch sử của dân tộc nhưng cũng gắn với 80 năm hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Màn nhạc kịch ở chương I kể về sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam. Ảnh: Hải Hưng
Theo đó, cách đây 80 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập.
Lực lượng vũ trang nhân dân từ khi ra đời trong mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử của đất nước đều thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị; lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Những đại cảnh được dàn dựng hoành tráng với sự tham gia của rất nhiều lực lượng. Ảnh: Hải Hưng
Chương trình Con đường lịch sử mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật được đầu tư dàn dựng, hoạt cảnh, phóng sự, cuộc trò chuyện… qua đó khắc hoạ hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng quân đội anh hùng.
Ở đó có những màn biểu diễn quy mô lớn, tái hiện trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ đề Trận đầu phải thắng; Đâu có giặc là ta cứ đi với không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ; Bản hùng ca trên biển cùng con đường trên biển của đoàn tàu không số, Mệnh lệnh của trái tim khắc hoạ hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ với sự đồng cam cộng khổ cùng nhân dân trong thời bình...
Lịch sử hình thành và phát triển của QĐND Việt Nam gắn liền với lịch sử của cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hải Hưng
"Chúng tôi cố gắng kể câu chuyện thế hệ nối tiếp thế hệ bằng kịch, nhạc kịch và các tiết mục hoạt cảnh. Bên cạnh những phóng sự đặc biệt là những câu chuyện được kể trên sân khấu. Tất cả các chi tiết trên sân khấu đều được lấy cảm hứng từ những nhân vật, chi tiết có thật.
Lịch sử hào hùng của những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ sẽ được kể qua cả những góc nhìn của những cô cậu bé ngây ngô, của những cặp đôi yêu nhau, của những gia đình chung thủy và cả tình quân dân xuyên suốt lịch sử QĐND Việt Nam, lịch sử nền quốc phòng toàn dân", đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ.
Đường lên Điện Biên và chiến thắng Điện Biên được tái hiện sinh động bằng các hoạt cảnh. Ảnh: Hải Hưng
Các nghệ sĩ tham gia trong chương trình gồm: NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Đức Tuấn, ca sĩ Thu Thủy, Dàn hợp xướng Nhà hát Quân đội, Dàn Quân nhạc, Dàn nhạc Giao hưởng... Ca sĩ Phạm Thu Hà lúc đầu có tên trong chương trình nhưng đến phút cuối, vì lí do sức khỏe nên đã không thể tham gia.
Màn nhạc kịch Trận đầu phải thắng đã tái hiện lại trận đánh đầu tiên của QĐND Việt Nam là Phay Khắt và Nà Ngần. Chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần đã mở đầu truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta. Và những tháng ngày “trứng nước” đó, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nhanh chóng phát triển lực lượng, đẩy mạnh trong nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở chính trị trong quần chúng. Ngày 15/5/1945, lực lượng này được hợp nhất với Đội Cứu quốc quân, trở thành Việt Nam Giải phóng quân, giữ vai trò nòng cốt trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Ca sĩ Đức Tuấn đã thể hiện khúc Cờ Việt Minh kể câu chuyện về những ngày tháng lịch sử này bằng âm nhạc.
Trong chương trình, dù đã ở tuổi U80 nhưng NSND Quang Thọ vẫn bước ra sân khấu thể hiện một cách hào hùng ca khúc Chiến thắng Điện Biên cùng tốp ca nam. Minh họa cho tiết mục này là hình ảnh những đoàn xe thồ, đoàn kéo pháo, dân công đào hầm, cắm cờ và các dân tộc ăn mừng.
NSND Tạ Minh Tâm mặc đồ lính, ngồi trên chiếc xe che lá ngụy trang bước ra sân khấu với ca khúc Ta ra trận hôm nay, kể câu chuyện về lớp các lực lượng từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc đã luôn bền bỉ, kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ cho tuyến đường Trường Sơn - mạch máu giao thông luôn thông suốt.
Nhóm tốp ca thiếu nhi cùng 40 ca sĩ của Dàn hợp xướng Nhà hát Quân đội thể hiện ca khúc Tự nguyện đầy sự trong trẻo, hồn nhiên nhưng cũng sáng ngời lí tưởng tuổi trẻ.
Tiếp nối cảm xúc âm nhạc của phần này là tiết mục Chú bộ đội do 3 ca sĩ nhí biểu diễn với màn đọc rap của Rapper Xệ Xệ. Sự xuất hiện đầy bất ngờ của 80 cán bộ chiến sĩ với 80 bức tranh do các em thiếu nhi vẽ, đến từ cuộc thi Cháu yêu chú bộ đội do Đài Truyền hình Việt Nam kết hợp với Hội đồng đội Trung ương tổ chức.
Ca sĩ Đức Tuấn và Thu Thủy kết lại chương trình bằng bản mashup Đường chúng ta đi - Máu đỏ da vàng cùng 50 thiếu nhi. Phía trước sân khấu là màn đồng diễn xếp chữ 35-80.
Cuộc trò chuyện giữa MC Đức Bảo – Hồng Nhung với nữ già làng Ksor H'Blăm đến từ Gia Lai ở phần cuối chương trình đã một lần nữa khẳng định thông điệp người dân coi bộ đội là người thân, là anh em, con cháu trong nhà. Đặc biệt, Đại tướng Phan Văn Giang đã lên sân khấu trao Huy hiệu 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cho già làng Ksor H'Blăm đến từ làng Krông, xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Thời chiến tranh chống Mỹ, già Ksor H'Lâm là một nữ chiến sĩ gan dạ; thời bình, với vai trò già làng, bà đã giúp đồng bào mình phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Con đường lịch sử cũng là một trong số ít những chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam kết hợp tổ chức có số lượng nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ chiến sĩ tham gia lên tới gần 3.000 người. Trong đó, các cán bộ chiến sĩ đến từ nhiều quân, binh chủng và học viện, nhà trường của quân đội.
Cụ thể là 800 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh Thủ đô, 600 chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, 400 chiến sĩ Quân chủng Hải quân, 200 chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân Đội và 80 quân nhạc, 80 chiến sĩ đến từ Tổng cục Hậu cần, 100 chiến sĩ đặc công, 40 quân khuyển thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác cứu nạn, cứu hộ tại đợt mưa bão vừa qua cũng như làm nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, để thể hiện được quy mô và tầm vóc của chương trình, BTC đã huy động hàng nghìn loại vũ khí, khí tài góp mặt trong chương trình: Từ các vũ khí, khí tài, các loại xe, phương tiện được sử dụng suốt trong chiều dài các cuộc chiến tranh cho đến những sản phẩm của nền quốc phòng hiện tại như các hệ thống rada hay UAV quân sự… Đặc biệt, huy động 80 xe thồ tái hiện lại hình ảnh "Đường lên Điện Biên".