Dân Việt

Những thầy giáo quân hàm xanh miền biên viễn

Uyên Na 22/12/2024 06:48 GMT+7
Nơi cuối trời Tây Bắc, có những người lính đi cả ngày, cả buổi đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và dạy chữ cho bà con. Khi biết đọc, biết viết, đồng bào biết tránh xa các cạm bẫy xấu, các tệ nạn và nạn tảo hôn, biết làm ăn để đời sống ngày một no ấm…

Từ cậu bé 12 tuổi không biết chữ thành người lính, thầy giáo quân hàm xanh

Những lớp học biên phòng được Đồn Biên phòng Mường Lèo bắt đầu triển khai từ năm 2021 tại 2 bản Huổi Lạ và Huổi Luông, xã Mường Lèo, đến nay đã xóa mù chữ được cho khoảng 100 người dân là đồng bào dân tộc Mông ở vùng biên giới.

Đồn Biên phòng Mường Lèo thuộc xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là một trong 10 Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào ở Sơn La có vị trí địa lý xa xôi, giao thông đi lại khó khăn. Đây là khu vực vùng cao, biên giới tập trung đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống. Ngoài những người trong độ tuổi đến trường, đa số bà con chưa biết tiếng phổ thông, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn còn phổ biến.

Những thầy giáo quân hàm xanh miền biên viễn- Ảnh 1.

Một buổi lên lớp của Đại úy Lò Văn Thoại. (Ảnh: NVCC)

Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương, mà còn chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó có công tác xóa mù chữ.

Nhiều năm qua, mỗi tuần 5 buổi, lớp học xóa mù chữ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo do Thiếu tá Hờ A Thành đứng lớp lại sáng đèn bên những sườn đồi ở xã vùng cao biên giới Mường Lèo. Lớp học chủ yếu duy trì vào buổi tối, khi bà con đã làm nương, làm rẫy xong xuôi. Mùa hè, khung thời gian bắt đầu lớp học sớm hơn so với mùa đông. Lớp học xóa mù chữ của Thiếu tá Hờ A Thành có học viên là các mẹ, các chị, các anh ở nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau, nhiều chị còn dẫn con nhỏ đi theo để vừa học, vừa trông con. Vì vậy, Thiếu tá Hờ A Thành phải chọn những phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng, đồng thời lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật, bãi bỏ các tập tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con, từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định. Dần dần, bà con đã biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Đến nay, Thiếu tá Hờ A Thành đã tham gia trực tiếp giảng dạy được 5 lớp với hơn 100 học viên tại xã Mường Lèo.

Ngoài thời gian đứng lớp, Thiếu tá Hờ A Thành tích cực tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân vận dụng các hình thức, phương pháp vận động quần chúng Nhân dân bồi dưỡng cho học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết nhằm giúp học viên bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản. Cùng với đó, Thiếu tá Hờ A Thành còn tận dụng thời gian ngoài giờ trực tiếp đến các hộ gia đình tổ chức tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tham mưu củng cố hoạt động của Ban quản lý bản, hướng dẫn Nhân dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vệ sinh làng bản. Đến nay, bà con đã từng bước làm ăn kinh tế, xóa bỏ tập quán du canh du cư, làm ăn tự phát.

Nói về hành trình trở thành thầy giáo quân hàm xanh, Thiếu tá Thành cười hiền: “Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Long Ke, xã Huổi 1, huyện Sông Mã, vùng cao lại còn sâu và xa lắm, hồi đó ăn còn không đủ chứ nói gì đi học. Mãi đến năm 12 tuổi, tôi mới được bố cho đi học Trường Nội trú thiếu nhi dân tộc tại thị trấn Sông Mã”.

Xa gia đình, tự lập mọi thứ, cứ mỗi khi được nghỉ, cậu bé 12 tuổi lại đi bộ gần 30 cây số đường rừng về phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Học xong cấp 1, chàng thiếu niên Hờ A Thành lúc bấy giờ lại tiếp tục xin học tại Trường Nội trú tỉnh Sơn La, nơi cách nhà hơn 100km. Hồi đó xe cộ đi lại khó khăn nên hầu hết Thành và các bạn toàn đi bộ tắt men theo đường núi. Khởi hành từ 3h sáng, mang theo 3 gói cơm cùng thức ăn, cứ mệt ở đâu thì nghỉ ở đó, khoảng 5h chiều thì đến trường… Hành trình bền bỉ ấy đã làm nên một người lính, thầy giáo quân hàm xanh hôm nay…

Xóa mù chữ để bà con cùng bộ đội canh giữ phên dậu Tổ quốc

Từ năm 2019 đến nay, Đại úy Lò Văn Thoại, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La thêm nhiệm vụ, đó là tham gia vào công tác xoá mù chữ ở nhiều bản vùng cao tại huyện Sốp Cộp.

Sinh ra và lớn lên tại bản Mường Và, huyện Sốp Cộp nên Đại úy Lò Văn Thoại thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân quê mình. Đầu năm 2022, thực hiện quyết định điều động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, người lính sinh năm 1981 về công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh - đơn vị quản lý tại xã Nậm Lạnh và Mường Và. Đây cũng là hai xã xa xôi, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Người dân địa phương trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt là các bản giáp biên giới.

“Đến bản Pá Khoang, xã Mường Và công tác, dù cách trung tâm xã khoảng 20km nhưng để tới bản, chúng tôi phải lội suối, băng đèo hơn hai giờ đồng hồ mới tới. Ở đây, tình trạng mù chữ, tái mù chữ; tảo hôn diễn ra khá phổ biến. Cũng vì thế mà cái nghèo cứ thế đeo đẳng mãi! Tôi chợt nghĩ phải xóa mù chữ cho bà con thì mới thay đổi được tình hình”, Đại úy Lò Văn Thoại chia sẻ.

Quyết tâm và được ủng hộ là thế nhưng “chặng đường” để người dân Pá Khoang tới lớp vẫn không ít chông gai. “Đối tượng mù chữ, tái mù chữ chủ yếu là lao động chính trong nhà. Ban ngày, họ phải làm nên lớp học phải mở vào buổi tối. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, tâm lý muốn được nghỉ ngơi là điều dễ hiểu. Nhưng bằng sự kiên trì và lý lẽ thuyết phục thì từ những con số lác đác trên đầu ngón tay số học viên ngày một đông lên tới 24 người”...

Với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” làm sao để tất cả học viên khi đã tới lớp đều đọc thông, viết thạo, biết tính toán... để chạm tới chân trời tri thức, Đại úy Lò Văn Thoại đã không ngại tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp. Thấu hiểu tấm lòng của thầy Thoại, sau hơn 5 tháng đi học, các học viên đã có thể tự đọc, tự viết, có người còn biết sử dụng, trao đổi thông tin trên các nền tảng mạng xã hội...

“Học viên của tôi từ chỗ không hiểu biết đọc, biết viết giải quyết được gì hay không đã nói với tôi rằng, có được cái chữ đã giúp cho họ chủ động trong học tập, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, các thành viên trong gia đình, rồi biết phát triển kinh tế sao cho hiệu quả và tự tin hơn khi giao tiếp...”.

Đặc biệt, trong mỗi buổi lên lớp, thầy giáo mang quân hàm xanh này lại khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, để Nhân dân biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Tôi mong việc làm nhỏ bé của tôi sẽ giúp cho các học viên có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp để cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Đại úy Thoại bày tỏ.

Trước đây ở xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), hầu hết trai gái chỉ 13 - 14 tuổi đã kết hôn, sinh con đẻ cái. Tảo hôn khiến cuộc sống của người dân mãi chìm trong bệnh tật, nghèo đói. Nhưng nhờ có lớp xóa mù chữ của Đại úy Lò Văn Thoại, người dân được thay đổi nhận thức, đến nay tỷ lệ tảo hôn chỉ còn khoảng 1 - 2%, đời sống kinh tế - xã hội dần ổn định, phát triển hơn. “Trước đây ở bản gần như nhà nào cũng tảo hôn, trai gái chỉ 13 tuổi là lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhà nào cũng có từ 4 - 5 con, mỗi con chỉ cách nhau 1 - 2 năm. Tảo hôn, kết hôn cận huyết không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, giống nòi mà còn kéo lùi sự phát triển về kinh tế, xã hội, khiến cuộc sống của bà con mãi khổ. Người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe con cái, học tập, làm ăn kinh tế”, thầy Thoại phấn khởi chia sẻ.

Trong số những học viên đã dạy, thầy Lò Văn Thoại đặc biệt ấn tượng với chị Giàng Thị Pạ Dê. Chị Dê vốn không biết chữ, cũng không muốn đi học, chồng lại đang trong thời gian cải tạo vì buôn bán ma túy. Mỗi lần đi thăm chồng, chị phải nhờ người biết chữ đưa đi vì không biết ký nhận, không biết số phòng.

Sau khi được thầy Thoại kiên trì vận động, chị Giàng Thị Pạ Dê đã quyết tâm đến lớp. Sau 9 tháng học, chị Dê đọc thông, viết thạo, không ngừng vươn lên trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Hiện chị Giàng Thị Pạ Dê đang làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn. Chị cũng tích cực vận động người dân chưa biết chữ đến lớp học của thầy Lò Văn Thoại. “Từ khi biết chữ, tôi vận dụng được nhiều kiến thức vào phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi cũng như biết cách bán hàng qua mạng xã hội, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”, chị Giàng Thị Pạ Dê nói.

Dịp 20/11 vừa qua, cùng với nhiều thành tích thắp sáng miền biên viễn. Thiếu tá Hờ A Thành và Đại úy Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.