Nhiều bãi tập kết vật liệu, kho, xưởng trái phép trên Quốc lộ 4C
Quốc lộ 4C đoạn từ TP.Hà Giang đến xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên với chiều dài khoảng 30km. Đây là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, là trục đường chính đến 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng, kho chứa hàng quy mô lớn. Đáng chú ý, tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, một khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2, với ít nhất 5 dãy nhà lợp mái tôn xanh, bên cạnh là bãi tập kết cát, đá, gạch, bồn chứa nước inox và kinh doanh tấm lợp, phân bón, xi măng. Bên ngoài khu xưởng treo biển của Công ty TNHH Phùng Hưng.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Mương Ngọc Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân và ông Hoàng Thanh Hải, cán bộ địa chính xã Minh Tân đều khẳng định khu vực kho xưởng và tập kết vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Phùng Hưng xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Còn tại các phường Quang Trung, Trần Phú, TP.Hà Giang, một số điểm ven quốc lộ từ lâu đã trở thành bãi tập kết, chung chuyển cát quy mô lớn. Cụ thể, tại Km7, tổ 4, phường Quang Trung, bãi tập kết vật liệu cát rộng hàng nghìn mét vuông mới hình thành cách đây vài năm.
Ông Nguyễn Viết Thành - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, bản thân ông mới về phường nên chưa nắm cụ thể thông tin phóng viên phản ánh. "Tuy nhiên, về nguồn gốc đất, đây không phải là đất thương mại dịch vụ. Chỗ này có một phần đất ở, một phần đất nông nghiệp. Về sử dụng vị trí, địa điểm để tập kết vật liệu, chúng tôi sẽ cho anh em nắm bắt thông tin, đi kiểm tra các khu vực phản ánh và sẽ thông tin lại sau", ông Thành nói.
Theo lãnh đạo phường Quang Trung, bãi tập kết cát trên địa bàn là của một người đàn ông tên C.Đ, người này tập kết cát tại địa bàn để chung chuyển lên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc cung cấp cho các dự án, người dân có nhu cầu.
Tại khu vực cầu Suối Tiên, giáp ranh với Tổ 4 phường Quang Trung là tổ 17 phường Trần Phú, một bãi tập kết cát quy mô lớn cũng đang ngày càng chất đống cao, sắp tràn cả ra đường. Bên cạnh là khu vực nghiền đá và nhiều kho xưởng chứa xi măng rộng hàng trăm m2.
Thông tin với phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại trụ sở ngày 20/12, ông Nguyễn Tiến Linh - Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết, do ông mới chuyển công tác đến UBND phường, chưa được bàn giao công việc nên chưa nắm rõ. Sau đó ông Linh giao nhiệm vụ cho ông Lào Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú làm việc với nhóm phóng viên.
Ông Lào Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho hay, các bãi cát, nhà xưởng hình hành từ năm 2023, của hộ gia đình Mai Anh Phương.
"Vừa qua, công an thành phố Hà Giang cũng đã vào kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại khu xưởng này. Tuy nhiên, phường chưa nắm bắt được thêm thông tin từ phía công an. Các nội dung khác chúng tôi sẽ tìm hiểu và cung cấp sau”, ông Thắng nói.
Ngoài các phường Quang Trung, Trần Phú, TP.Hà Giang và xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) thì xã Thuận Hòa là một trong những "điểm nóng" nhất về trật tự xây dựng.
Ông L.V.V, người dân xã Thuận Hòa, là công nhân làm việc tại một kho xưởng trên địa bàn xã Thuận Hòa chia sẻ: "Khu này dài dằng dặc cũng toàn kho hết. Ở đây họ làm nhiều lắm, đông lắm, toàn kho phân bón các kiểu, trên km14 họ làm nhiều lắm".
Ngay tại Km 10, Quốc lộ 4C, một bãi vật liệu xây dựng rộng hàng nghìn mét vuông, nhà kho quy mô lớn, cao hàng chục mét, bên trong có một Trạm trộn bê tông đang hoạt động, xe cẩu, xe bồn chở bê tông thường xuyên ra vào.
Quan sát của phóng viên cho thấy, phía trước treo biển Công ty TNHH Bảo Anh, thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên chuyên kinh doanh thép. Bên cạnh treo biển, cửa hàng vật liệu xây dựng Hiếu Ngọc.
Cách nhà xưởng "khủng", treo biển Công ty TNHH Bảo Anh khoảng 1km, qua cây cầu sắt để sang bên kia suối, nhiều dãy nhà kiên cố được xây dựng trên một khu đất rộng hàng nghìn m2, ngoài cổng chào ghi là Hợp tác xã Thuận Hòa. Tại đây có du khách nước ngoài ra vào lưu trú.
Trong quá trình tìm hiểu, một người đàn ông trung niên mặc áo giống bảo vệ của khu vực này dẫn phóng viên ra khu vực cây cầu sắt và chỉ tay về dãy phòng nghỉ bên kia suối chia sẻ: "Ở đây ăn uống đầy đủ, mỗi nhà gồm hai phòng, phòng đôi 800.000/đêm, phòng 1 người 400.000đ/đêm, nếu nhóm đông ngủ được 18 người. Ở đây toàn khách nước ngoài về ở, đợt này ít nên hơn trăm người, chứ đợt nọ toàn trăm rưỡi, trăm tám người ở đây".
Người mặc áo giống bảo vệ này cũng thông tin thêm: "Bên kia toàn rừng sản xuất, đồi của nhà dân hết". Về các nội dung phản ánh nêu trên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết thêm, trên địa bàn có 7 điểm, bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Khu vực nhà xưởng ở Km 10, Quốc lộ 4C, đây là đất nông nghiệp. Nhà xưởng, trạm trộn bê tông có tổng diện tích hơn 2.000 m2. Trạm trộn bê tông không được cấp phép, mới được xây dựng 2 năm trước, nước thải tại trạm này đổ ra một cái hố lớn ở trong khu vực gần xưởng. Xã cũng đã từng lập biên bản, xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Ông Tuân khẳng định: "Nhà xưởng của Công ty TNHH Bảo Anh rộng 2.000m2 đang sử dụng đất sai mục đích. Chúng tôi đã lập biên bản và báo cáo cấp trên. Nhưng họ lại bảo thế này thế kia, đang chờ xử lý".
Về các phòng nghỉ (dạng homestay), theo ông Tuân, các công trình xây dựng bên sông là đất nông nghiệp, không được cấp phép. Nguồn gốc là đất trồng cây hàng năm. Xã từng xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất sai mục đích và cũng đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo lên cấp trên.
Đối với thông tin các bãi tập kết cát, đá trái phép, ông Tuân cho hay: "Tôi cũng không nắm được việc có được cấp phép hay không".
Dân Việt tiếp tục thông tin.