Ngôi nhà được thiết kế với quan niệm: Nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để thư giãn, kết nối gia đình và là nguồn cảm hứng sáng tạo làm việc.
Ngôi nhà nằm trên khu đất có diện tích tới 1.200 m2 và có thế đất cao hơn xung quanh. Mái nhà tượng trưng cho những cánh diều chao lượn trên đồng cỏ bạt ngàn gió và nắng như để nhắc về những tháng ngày mấy anh chị em cùng sinh sống với nhau.
Sở dĩ công trình có tên Haushaus là vì chủ nhà tên Hậu, trong tiếng Đức, Haus có nghĩa là nhà. Công trình Haushaus ra đời mang cá tính và nguyện vọng của gia chủ.
Cá tính của chủ nhà muốn ngôi nhà phải có nét riêng, độc đáo nhưng cũng tạo lập nên những không gian để nơi đó, gia đình sẽ quây quần bên nhau sau một tuần làm việc mệt mỏi. Khi ngồi lại với nhau, bao ký ức tuổi thơ ùa về, đó là lúc mọi người cùng nhau chia sẻ như cách mà tuổi thơ được diễn tả trong tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh” của J. D. Salinger.
Theo kiến trúc sư, với công nghệ xây dựng và thoát mùi cũ cũng như những quan niệm về lễ giáo, gian bếp và ăn thường được bố trí ở sau nhà. Việc này vô tình tạo nên một khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình.
Khi nấu ăn, những bà nội trợ lại bị ngắt kết nối với những hoạt động khác diễn ra trong nhà. Điều này làm cho việc nấu ăn trở nên buồn tẻ.
Nắm bắt được điểm yếu này trong bố cục nhà truyền thống, công trình lấy khu bếp và ăn làm trung tâm. Vì đặt ở trung tâm trên bố cục mặt bằng và trên cả mặt cắt cao độ các tuyến giao thông chồng lớp ở tầng 2. Từ bếp có thể kết nối trực tiếp tới các phòng ngủ, phòng khách, phòng giải trí mà không cần qua bất cứ một không gian đệm nào. Từ phòng ngủ để di chuyển qua các khu vực khác cũng phải băng ngang qua khu vực bếp ăn. Điều này đã thổi một hơi thở mới đầy sức sống vào gian bếp từ đó làm cho bữa ăn gia đình thêm rôm rả.