Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TPHCM vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Thành Đức (SN 1996, rapper Lil Ken), cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (SN 1998, vợ cũ Đức) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, Lan biết bạn học cấp ba là Tạ Nguyễn Hồng Ân (26 tuổi) đang bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tiếp cận. Cô ta cho biết Đức có quan hệ rộng, quen biết với nhiều "lãnh đạo Bộ Công an".
Tiếp đó, Lan và Đức gợi ý Ân đưa 1,8 tỷ đồng để "cầm lên Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nộp khắc phục cho nạn nhân vụ lừa đảo thì sẽ được ưu ái". Tưởng thật, Ân đã chuyển tiền nhưng rapper Lil Ken và vợ cũ tiêu xài hết.
Nhận trình báo, PC03 lập chuyên án điều tra, bắt nam rapper cùng vợ cũ. Cơ quan điều tra kêu gọi các nạn nhân khác của nhóm này đến hợp tác điều tra.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, bị can có thể tự mình bồi thường hoặc nhờ người thân thích bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Đặc biệt, đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị điều tra về các tội danh có yếu tố chiếm đoạt, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ là tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vụ việc chưa được khởi tố, đang trong giai đoạn xác minh tin báo mà người bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trả lại tài sản cho người tố giác, chứng minh là mình không có ý định chiếm đoạt tài sản cũng có thể cơ quan điều tra không xử lý hình sự vì hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bởi vậy, trong trường hợp trên, Tạ Nguyễn Hồng Ân đang bị tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoàn toàn có thể tự mình trả lại tiền cho người bị hại để chứng minh mình không có mục đích chiếm đoạt tài sản, không gian dối, cơ quan điều tra cũng có thể không khởi tố vụ án hình sự.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi có gian dối và đã chiếm đoạt tài sản hoặc đã khởi tố vụ án hình sự, việc bồi thường thiệt hại, trả lại tiền cho các nạn nhân chỉ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, hành vi của rapper Lil Ken và vợ cũ là nguy hiểm cho xã hội, suy nghĩ có mối quan hệ với cán bộ lãnh đạo mà có thể bỏ qua vụ án hình sự là lệch lạc và nguy hiểm.
Dưới góc độ pháp lý, nếu nhận tiền để đưa cho người có chức vụ quyền hạn, yêu cầu họ thực hiện công việc theo mong muốn của mình (có thể là hành vi bỏ lọt tội phạm), đó còn là hành vi đưa hối lộ, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình.
Nếu nhận tiền của người khác với lý do chạy án, chạy việc, chạy chức hay bất cứ hành vi chạy chọt nào khác để đưa cho người có chức vụ quyền hạn (đưa hối lộ) nhưng thực tế không đưa mà chi tiêu hết (chiếm đoạt), đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Pháp luật không cho phép tác động bằng lợi ích, hay bằng tiền để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người tác động. Vì vậy, trong mọi trường hợp hành vi nhận tiền để chạy chọt mà bị phát hiện, đều bị xử lý hình sự, có thể là tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vị chuyên gia thông tin, pháp luật quy định thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi này mà chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt phải đối mặt ở mức cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm đưa ra các thông tin gian dối để nhận tiền của nạn nhân (chiếm đoạt). Nếu sau đó bị phát hiện, bị xử lý mới trả lại tiền cho nạn nhân, đây chỉ là tình tiết bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự chứ không phải là căn cứ để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.