Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là một trong những vũ khí hủy diệt mạnh mẽ nhất mà con người từng tạo ra. Được thiết kế để mang các đầu đạn hạt nhân với sức công phá kinh hoàng, ICBM còn nguy hiểm ở chỗ nó có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km chỉ trong khoảng 30-40 phút sau khi được phóng.
Các tên lửa ICBM hiện đại như RS-28 Sarmat của Nga, Minuteman III của Mỹ hay DF-41 của Trung Quốc không chỉ nhắm đến mục tiêu với độ chính xác cao mà còn có khả năng phá hủy toàn bộ một thành phố chỉ trong tích tắc.
Mức độ phá hủy của một tên lửa ICBM phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố lớn nhất là số đầu đạn hạt nhân mà nó có thể mang.
Theo trang Nuke Map, nếu một đầu đạn cỡ 100 kiloton phát nổ tại trung tâm New York, ước tính sẽ có hơn nửa triệu người thiệt mạng ngay lập tức và rất nhiều người khác chịu ảnh hưởng lâu dài do bức xạ hạt nhân lan rộng. Các công trình trong bán kính vài km sẽ bị phá hủy và người ở khoảng cách xa tới 10km vẫn có thể bị bỏng do nhiệt sinh ra từ vụ nổ.
Sức sát thương của đầu đạn hạt nhân cỡ 100 kiloton đã rất khủng khiếp như vậy nhưng vẫn kém xa sức công phá của đầu đạn hạt nhân mà một số ICBM hiện đại có thể mang theo. Điều đó phần nào giúp hình dung về hậu quả thảm khốc nếu một cuộc chiến ICBM nổ ra.
Một trong những thảm họa không thể lường trước của một cuộc chiến ICBM là "mùa đông hạt nhân" – hiện tượng mà giới khoa học mô tả như cơn ác mộng khí hậu khủng khiếp nhất có thể xảy ra.
Mùa đông hạt nhân, thuật ngữ được nhà vật lý thiên văn người Mỹ Carl Sagan đưa ra năm 1983, là kịch bản tàn khốc khi chiến tranh hạt nhân không chỉ tiêu diệt khu vực bị tấn công mà còn đẩy cả Trái Đất vào cảnh lạnh lẽo, đói kém và diệt vong.
Theo một nghiên cứu của đại học Rutgers (Mỹ) năm 2010, các vụ nổ hạt nhân có sức công phá lớn sẽ tạo ra các đám cháy không kiểm soát tại mọi thành phố và khu vực rừng bị tấn công.
Các đám cháy này sẽ tạo ra lượng lớn khói bụi, đặc biệt là bồ hóng, được đẩy lên tầng bình lưu và che phủ ánh sáng mặt trời, làm cho bề mặt Trái Đất rơi vào bóng tối.
Hiện tượng này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng năm, làm cho nhiệt độ giảm đột ngột. Thời tiết trở nên lạnh lẽo, ánh sáng yếu ớt không đủ cho cây cối phát triển, dẫn đến mất mùa và nạn đói lan rộng.
Với một kịch bản mô phỏng 100 vụ cháy lớn có cường độ tương tự Hiroshima, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ giảm khoảng 1°C, xóa tan mọi tác động của sự nóng lên toàn cầu trong vài năm. Chỉ với 5 teragram (5 triệu tấn) bồ hóng thải vào tầng bình lưu, loài người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.
Theo trang Ahead of the Herd, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân quy mô lớn như giữa Mỹ và Nga, hàng nghìn vụ nổ hạt nhân có thể khiến Trái Đất rơi vào mùa đông hạt nhân kéo dài tới một thập kỷ.
Khi đó, nhiệt độ mùa hè tại các vùng nông nghiệp trọng yếu sẽ giảm 20°C tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và giảm tới 35°C ở Nga, làm gián đoạn toàn bộ hệ thống nông nghiệp và chăn nuôi toàn cầu.
Mùa đông hạt nhân không chỉ làm nhiệt độ giảm mạnh mà còn phá hủy tầng ozone, khiến tia UV gây ung thư da và tổn thương nghiêm trọng hệ miễn dịch.
Ngay cả đại dương, nơi giữ vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn toàn cầu, cũng không thoát khỏi tác động của mùa đông hạt nhân. Bóng tối sẽ làm suy giảm phytoplankton, sinh vật phù du quan trọng trong chuỗi thức ăn biển. Kết hợp với ô nhiễm phóng xạ và hóa chất độc hại, nguồn thức ăn từ biển sẽ giảm sút nghiêm trọng, đẩy loài người vào tình trạng thiếu thốn chưa từng thấy.
Về sức khỏe, phóng xạ, tình trạng suy dinh dưỡng, và stress tâm lý sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho các loại bệnh tật phát triển mạnh mẽ hơn. Những người sống sót sau thảm họa sẽ phải đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ dioxin, PCB, amiăng và nhiều chất độc khác, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Với khả năng tàn phá hủy diệt của ICBM, câu hỏi đặt ra là liệu có thể đánh chặn loại tên lửa đạn đạo này hay không? Theo một số chuyên gia, các kịch bản tấn công và đánh chặn ICBM liên quan chặt chẽ đến khả năng công nghệ, sự phối hợp của hệ thống radar và các trung tâm điều khiển chiến lược.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công ICBM quy mô từ Nga và Trung Quốc, Mỹ có hệ thống phòng thủ ICBM chủ yếu là Ground-Based Midcourse Defense (GMD).
Tuy nhiên, theo một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ và các phân tích chuyên sâu, GMD chỉ có khả năng giới hạn, chủ yếu hướng đến việc đánh chặn các tên lửa ICBM cỡ nhỏ, nhưng chưa chứng minh được khả năng ngăn chặn hiệu quả các đợt tấn công từ ICBM cỡ lớn với đầu đạn MIRV, có nhiều "mồi nhử" từ Nga, Trung Quốc hay thậm chí là Triều Tiên (dù khả năng ICBM của Bình Nhưỡng có thể mang nhiều MIRV hay không chưa được xác nhận).
Theo trang Breaking Defense, GMD đã được thử nghiệm thành công trong điều kiện nhất định, tỷ lệ thành công vẫn chỉ đạt 55%, cho thấy Mỹ có thể gặp rủi ro khi đối diện với các ICBM tiên tiến của Nga và Trung Quốc với khả năng phóng đầu đạn đa hướng MIRV và các biện pháp nghi binh bằng đầu đạn giả.
Mỹ đang phát triển hệ thống Next Generation Interceptor (NGI) nhằm thay thế GMD với khả năng đánh chặn cải tiến, dự kiến ra mắt vào năm 2028.
Ngoài ra, Mỹ cũng dựa vào các hệ thống phòng thủ khác như Aegis và THAAD để bảo vệ các căn cứ và lãnh thổ chủ chốt ở Thái Bình Dương và Châu Âu, đồng thời phối hợp với các hệ thống radar biển và vệ tinh phát hiện tên lửa sớm nhằm nâng cao hiệu quả phòng thủ.
Trong trường hợp bị Mỹ tấn công bằng ICBM, Nga và Trung Quốc cũng có nhiều lớp phòng thủ để bảo vệ lãnh thổ. Nga sử dụng hệ thống phòng thủ A-135 được triển khai xung quanh Moscow, bổ sung thêm hệ thống A-235 hiện đại với khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở tầm cao.
Ngoài ra, hệ thống S-500 cũng được cho là có khả năng đối phó với các tên lửa ICBM, giúp Nga có một lớp phòng thủ dày đặc và mạnh mẽ.
Theo tài liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang nâng cấp hệ thống HQ-19 và phát triển hệ thống phòng thủ S-400 mua từ Nga để bảo vệ các vùng quan trọng. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào công nghệ radar và tên lửa để ngăn chặn các ICBM, đảm bảo một hàng rào phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công ICBM từ Mỹ.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các hệ thống phòng thủ ICBM vẫn có thể không hiệu quả nếu gặp phải số lượng ICBM hiện đại tấn công dồn dập với số lượng lớn và tốc độ cao. Ngoài ra, một số yếu tố khác như các đầu đạn mồi nhử, đầu đạn có thể điều chỉnh quỹ đạo bay, hay ICBM được phóng từ khoảng cách gần cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho việc đánh chặn.
Theo trang National Interest, trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ sử dụng chủ yếu là hệ thống GMD và THAAD. Các chuyên gia về vũ khí như Jeffrey Lewis và Melissa Hanham cảnh báo, dù các hệ thống phòng thủ này đã thử nghiệm thành công trong việc đánh chặn ICBM thử nghiệm năm 2017, khả năng bảo vệ trước một đợt tấn công thực sự từ Triều Tiên (nếu xảy ra) vẫn chưa được đảm bảo.
Theo 2 chuyên gia này, Triều Tiên được cho là sẽ phóng nhiều ICBM cùng lúc nếu tấn công Mỹ, có thể khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bị quá tải. Điều này khác hoàn toàn so với việc quân đội Mỹ biết trước số lượng, thời gian tên lửa ICBM được phóng trong lần thử nghiệm đánh chặn.
Với sự phát triển của các hệ thống phòng thủ, các cường quốc đang chạy đua để nâng cấp công nghệ nhằm đối phó với mối đe dọa từ ICBM. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, khả năng phòng thủ hoàn hảo trước các ICBM hiện đại là gần như không thể. Vì vậy, nguy cơ từ các đợt tấn công ICBM vẫn là một bài toán về an ninh ngay cả đối với các cường quốc quân sự hùng mạnh nhất.