Dân Việt

Lãnh đạo mới tại SJC là ai sau vụ 6 người bị khởi tố vì lợi dụng chương trình bình ổn giá vàng?

Hồng Phúc 26/12/2024 09:39 GMT+7
Ông Đào Công Thắng giữ chức quyền tổng giám đốc SJC sau vụ 6 người bị khởi tố do lợi dụng chương trình bình ổn giá vàng để lập khống chứng từ, chiếm đoạt tài sản.

Theo cập nhật mới nhất từ website chính thức của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã có sự thay đổi. Ông Đào Công Thắng giữ quyền Tổng giám đốc SJC. Trước đó, ông Thắng là Phó tổng giám đốc công ty này.

Về phía hội đồng thành viên, ông Trần Văn Tịnh làm Chủ tịch hội đồng thành viên, ông Nguyễn Tiến Phước làm thành viên hội đồng thành viên.

Lãnh đạo mới tại SJC là ai sau vụ 6 người bị khởi tố vì lợi dụng chương trình bình ổn giá vàng? - Ảnh 1.

Cảnh chen chúc mua vàng tại SJC hồi tháng 6/2024. Ảnh: Hồng Phúc

Hồi tháng 11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an - đã thông báo về quyết định khởi tố một vụ án tham ô và lạm dụng chức vụ xảy ra tại Công ty SJC.

Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can với các tội danh "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ". Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các bị can đã lợi dụng chương trình bình ổn giá vàng để lập khống chứng từ, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, thu thập tài liệu và chứng cứ để truy thu toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, danh tính 6 người bị khởi tố không được công bố.

Người tiền nhiệm trước ông Đào Công Thắng là bà Lê Thúy Hằng. Bà Hằng giữ chức Tổng giám đốc SJC hồi tháng 12/2019.

Trong cơn sốt vàng năm nay, bà Hằng nhiều lần trả lời trước báo chí về vấn đề vàng, giá vàng bình ổn, thương hiệu vàng SJC trước báo chí.

Lãnh đạo mới tại SJC là ai sau vụ 6 người bị khởi tố vì lợi dụng chương trình bình ổn giá vàng? - Ảnh 2.

SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Ảnh: Hồng Phúc

SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Theo kế hoạch về sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, Công ty SJC sẽ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đến hết năm 2025. Vì vậy, công ty sẽ không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cho đến thời điểm đó.

Năm 2023, SJC báo lãi trước thuế đạt 88 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 61 tỷ đồng, tăng 24%.

Năm nay, SJC đặt mục tiêu sản xuất 31.692 lượng vàng miếng, gần 445.000 món nữ trang. Kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch này đạt được, công ty sẽ có năm doanh thu kỷ lục còn lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.