Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 sáng 26/12, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều dịch bệnh như bệnh sởi, ho gà, bệnh dại, sốt xuất huyết... tăng cao cục bộ ở một số nơi.
Theo ông Tâm, năm 2024, cả nước có gần 38.400 ca nghi mắc sởi, trong đó có hơn 6.700 ca sởi dương tính, 13 trường hợp tử vong.
So với năm 2023, số ca nghi mắc sởi cao gấp 94 lần, số sởi dương tăng 130 lần, số tử vong tăng 13 trường hợp. Một số tỉnh có số mắc cao: Đồng Nai (6.360), Hồ Chí Minh (4.758), Bình Dương (4.745), Cà Mau (2.405)...
Ông Tâm lý giải, dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh.
Bệnh sởi và một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine như ho gà, bạch hầu gia tăng là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa lây lan, bùng phát dịch;
Ngoài ra, có sự gián đoạn cung ứng vaccine trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19; thủ tục mua sắm, đầu thầu, đặt hàng vaccine kéo dài; Khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng; công tác rà soát, thống kế chưa sát với thực tế; Có hiện tượng chống vaccine, không đưa trẻ đi tiêm chủng trong một bộ phận người dân, nhất là ở các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, bệnh dại có trường hợp tử vong cao (84 ca, tăng 2 ca so với năm 2023) là do việc quản lý đàn chó mèo hạn chế; tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp (dưới 50%); Chó, mèo không thả rông, không đeo rọ mõm và không tiêm phòng dại vẫn phổ biến; Người dân chủ quan, lơ là, không tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn.
Sốt xuất huyết cho dù số mắc giảm mạnh so với năm 2023, nhưng tăng cao cục bộ tại một số địa phương, đô thị lớn. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu; thời tiết trong khu vực nhiệt đới gió mùa là nóng ẩm, mưa nhiều.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao cục bộ đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng; hạn chế trong quản lý số lượng người lao động tại các công trình tăng cao; chủ quan, lơ là, không thông tin, kịp thời khi có các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, mối lo ngại lớn nhất là sốt xuất huyết, cũng như cúm mùa, vì đã có nhiều ca tử vong, ở những người có bệnh nền, hay phát hiện muộn. Bệnh cúm tăng ở một số địa phương nhưng tỉ lệ tử vong giảm, do phân tuyến cách ly, điều trị tại chỗ tốt.
Ông Khoa cũng cho hay kết quả điều trị bệnh dịch của Việt Nam có tỉ lệ tử vong thấp nhất trong Đông Nam Á, do kinh nghiệm lâm sàng, nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, của các chuyên gia.
Không có ca tử vong về bệnh tay chân miệng trong năm qua là một thành công nhờ đưa ra các sáng kiến điều trị để phát hiện dấu hiệu sớm và ứng dụng thuốc, lọc máu để hạn chế tử vong. “Tuy nhiên, tay chân miệng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào” - ông Khoa nhấn mạnh.