Ngày 26/12, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Diễn đàn Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".
Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không và các đơn vị logistics trên cả nước.
Tại diễn đàn, rất nhiều vấn đề được đặt ra, các kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo nhằm tối ưu hóa dịch vụ du lịch và logistics, thảo luận các mô hình hợp tác hiệu quả, phát triển các gói dịch vụ tích hợp logistics và du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách quốc tế.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Võ Huy Cường, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nêu những thuận lợi và thách thức năm 2024 trong ngành hàng không. Trong đó, ông chỉ ra sự đứt gãy các chuỗi cung ứng về nguyên liệu làm giảm đáng kể năng lực cung cấp các tàu bay thế hệ mới an toàn; Chi phí khai thác các chuyến bay chắc chắn tăng cao do yêu cầu thực hiện nhiên liệu hàng không bền vững – SAF để giảm phát khí thải; Thông tin không chính xác hoặc thái quá có thể làm thay đổi các kế hoạch đi lại, du lịch (Giá vé nội địa neo cáo, giá vé quốc tế thấp hơn nội địa, khu du lịch X du khách chen chân…).
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Bích – Chủ tịch Rustic Hospitally Group cho biết: "75% lượng khách du lịch trên toàn cầu lựa chọn du lịch hướng đến sự phát triển bền vững. Hiện trong nước, chúng ta cũng đang định hình xây dựng một chuỗi giá trị du lịch xanh, đa tầng. Chúng ta cần có sự kết nối giữa các thành phần kinh doanh, ví dụ như hàng không kết hợp với du lịch hoặc các điểm đến, và làm sao giới thiệu các hoạt động đó để thu hút du khách. Đó là mô hình du lịch xanh đa tầng."
Cũng theo ông Bích, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có 4 sản phẩm du lịch chính. Thứ nhất là mô hình du lịch cộng đồng bền vững, vì cộng đồng mới là giá trị cốt lõi, là văn hóa. Thứ hai, là nguồn du lịch nông nghiệp vì 70% là du lịch nông thôn. Thứ 3 là nguồn sinh thái, vì nông thôn gắn liền với nông nghiệp, và sinh thái đảm bảo cho việc phát triển xanh.
Cuối cùng là xem xét các hoạt động du lịch trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như đưa du khách từ thành phố về nông thôn, về những miền quê của chúng ta, để chia sẻ với họ những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, và kỹ năng hòa hợp với thiên nhiên.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh – Giảng viên bộ môn Quản trị sự kiện của trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ngành du lịch Việt Nam nên đặt khẩu hiệu: Amazing friendliness (Thân thiện tuyệt vời - PV).
"Với tình hình thế giới như hiện nay, con người ra rất mong chờ sự an toàn, sự kết nối, sự thân thiện và sau đó sẽ là sự khám phá, trải nghiệm. Sự thân thiện có thể hiểu đó là cửa ngõ để du khách quốc tế đến với Việt Nam mà tốt thì khách quốc tế sẽ đến Việt Nam nhiều hơn.
Tôi ví dụ, khi khách quốc tế đến sân bay Nội Bài, họ cảm thấy sân bay lạnh lẽo, thậm chí hơi vô cảm, những khuôn mặt lạnh băng, không một nụ cười, một lời chào, cho dù thời điểm ngày hay đêm, 3h sáng hay 14h chiều cũng không có sự thay đổi. Trong khi vừa rồi tôi cùng đoàn famtrip đi Dubai thì được đón chào với không khí khác hẳn. Cảnh sát mặc thường phục, đóng hộ chiếu luôn nở một nụ cười thân thiện cùng đó là câu nói: "Welcome to Dubai" (chào mừng bạn đến Dubai - PV).
Chưa kể, những chỉ dẫn nhiệt tình cho khách như làn lấy hành lý, nơi check in ngay tại sân bay. Nghĩa là từ lúc bước xuống khỏi máy bay cho tới lúc ra khỏi máy bay là một trải nghiệm tuyệt vời cho du khách đến Dubai, thì với Việt Nam điều này còn đang thiếu".
Ông Phạm Duy Nghĩa – CEO Vietfoot Travel thì cho rằng, tiêu chí để thu hút khách quốc tế đến và quay lại Việt Nam nhiều lần chính là du lịch bền vững. Nước Thụy Sĩ là một trong những nước phát triển rất tốt về du lịch bởi họ đã đưa ra tiêu chí rất rõ ràng về du lịch bền vững. Họ để khẩu hiệu là Super… và họ đã truyền thông khắp toàn cầu về khẩu hiệu này. Việt Nam nên chọn slogan nhấn đúng vào thế mạnh du lịch Việt Nam, đó là an toàn và bền vững. Đây là slogan hội tụ nhiều ý nghĩa mà lại dễ hiểu.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề cập đến những tác động từ dịch vụ Logistics trong nước. Cụ thể, trước dịch Covid, Việt Nam có 3 hãng hàng không rất phát triển và đẩy mạnh các chuyến bay tới các điểm đến trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có hai hãng là Vietnam Airlines và Vietjet Air, trong khi các hãng hàng không nước ngoài đến Việt Nam lại tăng chuyến nhiều hơn tại các điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Còn 2 hãng hàng không trong nước lại giảm số lượng chuyến bay tại các điểm đến, khi mà các hãng hàng không chính là vấn đề quan trọng cấu thành làm nên một giá tour. Đây chính là nguyên nhân cũng là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp lữ hành đang vướng phải.
"Cũng bởi giá vé máy bay quá cao so với khu vực, khiến cho lượng khách ở thị trường châu Âu, châu Á, Trung đông đều khó đặt tour đến với Việt Nam. Nếu như chúng ta có thể đa dạng được đường bay, giá thành giảm hơn so với thời điểm hiện tại thì chi phí cho một chương trình tour sẽ giảm và lúc đó mới thu hút được khách quốc tế" - ông Nghĩa khẳng định.